I. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA HAI BÀ TRƯNG
Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị sinh ra trong một gia đình quý tộc địa phương thuộc dòng dõi các vua Hùng. Cha là ông Trưng Định (Hùng Định) là một hiền sĩ, văn võ toàn tài, được cử làm quan lạc tướng đất Mê Linh. Khi ông Trưng Định về đất Cổ Lai (nay là làng Hạ Lôi, xã Mê Linh) ẩn thân dạy học đã gặp bà Trần Thị Đoan con gái cụ Trần Minh (cũng là cháu chắt bên ngoại của vua Hùng, một gia đình phong lưu lệch tộc cao môn), ông đã xin đính ước cầu hôn cùng bà.
Bà Đoan là người công dung, ngôn hạnh, đức độ hiền hòa, thông thạo nông trang, giỏi chăn tằm, dệt lụa. Sống giữa vùng có nghề dệt truyền thống (xuất phát từ việc dệt sợi đay thành vải mặc, do công chúa Ngọc Hoa con gái vua Hùng Duệ Vương truyền dạy mà cả vùng có nghề trồng dâu nuôi tằm). Trong nghề lứa đầu kén đầy gọi là kén trắc (chắc), lứa sau kén mỏng gọi là kén nhị (nhì).. Trứng ngài tốt gọi là trứng chắc, trứng ngài kém gọi là trứng nhì. Vì vậy sau khi có con, ông bà Hùng Định vui mừng đã đặt tên con là Trắc và Nhị để dễ nuôi nấng. Thần tích của làng chép: “Hai Bà là chị em sinh đôi, ngày sinh là mồng một tháng Tám năm Giáp Tuất, tức năm 14 sau Công Nguyên. Vốn dòng dõi con nhà Lạc tướng, có chí phục quốc, hai chị em sớm có tư chất thông minh, xinh đẹp, có tài năng khác thường. Đặc biệt là Trưng Trắc, bà tỏ ra là người “rất can đảm dũng lược”. Đến khi trưởng thành, hai chị em được cha dạy binh thư võ nghệ, thạo đường cung kiếm. Khi ông Hùng Định qua đời, bà Trần Thị Đoan tiếp tục nuôi dạy con theo ý nguyện của chồng.
Nghe tin vợ chồng ông Đỗ Năng Tế và bà Tạ Thị Cẩn Nương quê ở xứ Đoài là người hiền tài, giỏi việc quân bà Đoan liền mời hai người về dạy dỗ cho con. Chẳng bao lâu Trưng Trắc và Trưng Nhị đã trở thành những người giỏi võ công, văn trị.
Lúc bấy giờ ở thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay), có tên Ngụy Húc người Hán rất giỏi võ nghệ và thâm độc. Hắn vờ mở đài thi võ để tập trung người tài Việt Nam rồi tìm cách triệt hại. Vô cùng căm phẫn trước hành động gian ác của giặc, Hai Bà quên tuổi 17 cải trang giả làm trai đến tỷ thí võ nghệ với hắn. Cuối cùng Hai Bà đã giết chết được tên Ngụy Húc, trừ họa cho dân.
Năm 19 tuổi Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách cũng là con Lạc tướng ở huyện Chu Diên. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có xác nhận sự kiện này: “Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau”. Hai thế lực ở địa phương gắn bó với nhau bằng con đường hôn nhân làm cho thanh thế của hai họ càng lên cao khiến cho giặc lo sợ.
Bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị nước ta, chúng chia nước ta thành bá quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay), Cửu Chân (Thanh, Nghệ, Tĩnh) và Nhật Nam (từ phía nam Hoành Sơn đến núi Đại Lãnh) để dễ bề cai trị và thực hiện âm mưu đồng hóa. Nhà Hán bắt nhân dân ta phải cống nộp đủ mọi thứ của ngon vật lạ như: ngà voi, sừng tê giác, đồi mồi, ngọc ngà, châu báu… và bóc lột tô thuế nặng nề làm cho đời sống nhân dân ta vô cùng khổ cực.
Năm 33 tuổi, Tô Định được cử sang làm Thái thú quận Giao Chỉ, hắn tham lam, tàn ác thường xuyên giết hại vô cớ nhiều dân thường, đàn áp các thủ lĩnh địa phương người Việt làm cho đời sống nhân dân ta ngày càng cực khổ.
Trước cảnh mất nước, nhà tan Thi Sách và Trưng Trắc bàn mưu tính kế nổi dậy chống lại nhà Đông Hán. Lúc này khắp nơi trong nước nhân dân đã sục sôi có chí nổi dậy chống lại sự tàn bạo của chính quyền đô hộ phương Bắc. Biết được điều đó, tên Thái thú Tô Định đã lập mưu kế hãm hại ông Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của Bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Nhưng hành động đó của Tô Định chỉ làm thổi bùng thêm ngọn lửa căm thù giặc trong lòng Trưng Trắc. Bà cùng với em gái của mình là Trưng Nhị đã đứng lên kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, chống quân Đông Hán.
Cuộc nổi dậy của nhân dân Âu Lạc bùng nổ vào tháng 3 năm 40, do Trưng Trắc (có chồng là Thi Sách, bị quan đô hộ Đông Hán là Tô Định giết) cùng em là Trưng Nhị – con gái lạc tướng huyện Mê Linh – lãnh đạo, nhằm lật đổ ách đô hộ của nhà Đông Hán, dựng lại cơ nghiệp của các vua Hùng. Từ trung tâm Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ (vùng đất Ba Vì – Tam Đảo ngày nay), sau cuộc hội thề tụ nghĩa ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Tây), nghĩa quân tấn công đô úy trị nhà Hán ở Giao Chỉ ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Quân Đông Hán phải rút chạy về nước. Thái thú Tô Định phải lẩn trốn về Nam Hải (Quảng Đông – Trung Quốc). Cuộc khởi nghĩa lan rộng, được nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Uất Lâm hưởng ứng, hạ 65 thành, chiếm các quận huyện. Khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Hè năm 42, nhà Đông Hán sai Mã Viện đem 2 vạn quân chủ lực, 2 nghìn xe thuyền sang xâm lược. Trong cuộc chiến đấu chống giặc ở Lãng Bạc, quân của Hai Bà bị thiệt hại nặng, phải lui về Cổ Loa, rồi Cấm Khê (chân núi Ba Vì, Hà Tây) lập căn cứ chống giữ. Sau một năm chiến đấu quyết liệt, Hai Bà đã hy sinh vào mùa hè năm 43.
II. CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG
Sau khi ông Thi Sách bị Tô Định giết, bà Trưng Trắc quyết chí phục thù, bà cùng mẹ và em gái đi khắp mọi miền đất nước phát động trong toàn quận Giao Chỉ, tập hợp bạn hữu, Lạc tướng, tích trữ lương thảo chuẩn bị nổi dậy. Bà lập căn cứ ở đất Phong Châu, tập hợp thu dụng những anh hùng hào kiệt, những người cùng chí hướng, đồng thời bà Trưng Trắc cũng đến nhiều nơi vận động đồng bào, chiêu binh tuyển tướng ở các địa phương khởi nghĩa nên người theo về ngày càng đông, các thủ lĩnh ở khắp nơi đều hướng về đại nghĩa. Sau 15 ngày, hàng nghìn tướng sĩ các miền đã đến tụ nghĩa đông đảo, chuẩn bị lực lượng chờ ngày nổi dậy.
Mùa hè năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) Bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị lãnh đạo quân dân đứng lên đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán. Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát Môn. Tại đây Hai Bà đã lập đàn thề trên bãi Trường Sa. Trước mặt quận sĩ và dân chúng Trưng Trắc đã long trọng tuyên đọc lời thề xuất quân:
Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn thửa công lênh này.
Tháng Giêng năm Canh Tý 40 (sau Công nguyên), tất cả các tướng ở mọi vùng đều tiến quân về hợp tại thành Phong Châu. Sở dĩ có cuộc tập hợp lực lượng ở bên bờ Bắc sông Bạch Hạc là để tránh sự áp sát với quân địch đang đóng đô úy trị ở vùng giữa châu thổ sông Hồng.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ quân lương, thời cơ chín muồi, ngày mùng 6 tháng Giêng (năm Canh Tý) Hai Bà đã cho quân sĩ lập đàn tế cáo trời đất tiến hành cuộc khởi nghĩa. Từ đấy bà được sử cũ chép là Trưng Nữ vương: hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Tế xong Hai Bà phân chia các đạo quân, tổ chức quân ngũ, Bà Trưng Nhị được phong hiệu là Bình Khôi, nắm giữ toàn bộ các vệ “nữ quan nội thị”. Quân khởi nghĩa và dân chúng trông thấy nữ chủ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị mặc bộ giáp lộng lẫy trên bành voi thì mừng vui reo hò dậy đất. Từ cửa sông Hát quân khởi nghĩa tiến đánh Mê Linh, Cổ Loa rồi rầm rập kéo thẳng về Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) thủ phủ Giao Chỉ mà bọn đô hộ nhà Hán đang chiếm đóng. Quân đi tới đâu như gió lướt tới đấy:
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Cùng lúc đó các đạo quân ở các địa phương hưởng ứng cùng kéo đến, đó là đạo quân của bà Thánh Thiên ở phía Bắc, bà Nguyệt Thai, Nguyệt Độ, tướng Nguyễn Tam Trinh, Nàng Tía phía Nam, bà Thiều Hoa phía Tây, nữ tướng Lê Chân ở An Biên, Hải Phòng… Nghĩa quân trùng điệp kéo tới bao vây Tô Định và ào lên tấn công, trong phút chốc, dinh lũy thống trị tàn bạo của bọn phong kiến phương Bắc đối với dân tộc Việt hơn 200 năm đã sụp đổ tan tành.
Chỉ trong một thời gian ngắn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã thành công. Hai Bà đã là người phất ngọn cờ hiệu triệu nhân dân ở bốn quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Hai Bà đã kéo quân đánh thành Luy Lâu, thủ phủ của chính quyền đô hộ nhà Đông Hán lúc đó, đập tan bộ máy thống trị của địch.
Trước khí thế ngút trời của quần chúng khởi nghĩa, bọn quan lại Đông Hán không chống cự nổi phải tháo chạy về nước. Thái thú Tô Định bỏ thành trì, ấn tín, cắt tóc, cạo râu trốn chạy về Hải Nam. Chỉ trong vòng hai tháng, quân của Hai Bà Trưng đã thu phục được 65 thành trì, giải phóng toàn bộ đất nước, giành chủ quyền về tay dân tộc.
Mùa hè năm Canh Tý 40 (sau CN), bà Trưng Trắc được tướng sĩ tôn lên làm vua, lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô tại lị sở Mê Linh quê hương của Hai Bà Trưng (nay là làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Sau khi lên ngôi vua Trưng Vương tôn thân mẫu là Hoàng Thái hậu, phong cho em gái Trưng Nhị là Bình Khôi công chúa. Các tướng sĩ có công lao đánh giặc cứu nước đều được phong thưởng chức tước, tiền bạc, ruộng đất. Nhân dân cả nước được xá thuế trong 02 năm.
Sách “Thiên Nam ngữ lục” một áng sử ca dân gian ở thế kỷ XII còn ghi lại lịch sử hào hùng thời Hai Bà Trưng như:
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Để đào tạo nhân tài cho đất nước Hai Bà đã lập ra “Chiêu văn quân”, nay thuộc làng Văn Quán, xã Văn Quân, huyện Mê Linh. Để giữ vững nơi hiểm yếu, Trưng Vương cho các tướng sĩ được đem quân của mình về địa phương cũ, giao quyền trông coi việc dân, việc nước vừa sản xuất, vừa luyện binh có nhiệm vụ trấn giữ một vùng.
Được tin Trưng Trắc xưng vương, Hoàng đế Nhà Đông Hán lúc bấy giờ là Hán Quang Vũ Đế vô cùng tức giận lập tức sai Phục Ba tướng quân Mã Viện đem 2 vạn quân chủ lực cùng 2000 thuyền xe kéo sang xâm lược nước ta bằng hai cánh quân thủy và bộ. Cánh quân thủy do tướng Đoàn Chí chỉ huy. Mã Viện trực tiếp chỉ huy cánh quân bộ. Tại Vân Đồn tướng Lê Chân bố trí trận đánh mai phục chặn cánh quân thủy của Đoàn Chí. Lê Chân lợi dụng nước thủy triều lên xuống, cho quân đóng cọc ở lòng sông cửa biển. Nước thủy triều lên phủ kín cọc, thuyền bè Đoàn Chí tiến vào trận địa mai phục của Lê Chân đến khi nước thủy triều rút cọc, thuyền bè của Đoàn Chí mắc cọc không tiến, không lui được. Lê Chân lệnh cho quân ở hai đảo Cái Bầu tấn công, tướng Đoàn Chí bị tử trận và quân của Mã Viện thiệt hại nặng.
Mã Viện thâu tóm chỉ huy cả hai cánh quân thủy và bộ. Hai Bà Trưng lệnh cho tướng Đống, tướng Hựu, Nàng Tía Thanh Trì, các tướng Phương Dung, Đào Kỳ, các tướng Đô Dương, Chu Bá và Cửu Chân đưa quân ra hợp binh chống giặc và chặn đứng quân Mã Viện ở Tây Vu. Mã Viện phải rút quân về Lãng Bạc. Trưng Vương cùng các tướng sĩ phát quân từ Mê Linh qua Cổ Loa đánh thẳng vào doanh trại Lãng Bạc. Tướng của Mã Viện là Lạc Đình Hầu bị trúng tên của quân đội do Trưng Nhị chỉ huy chết tại trận.
Cũng thời gian này, Nhà Tây Thục cử thêm binh mã tiến vào nước ta. Tướng Hà Tơ và tướng Hà Liễu đem quân chặn đánh nhưng binh mã của chúng vẫn tiến được tới Tuyên Quang. Trưng Vương ra lệnh cho tướng Thánh Thiên đem đạo binh lên phối hợp với Hà Tơ, Hà Liễu để chống giặc. Đồng thời Trưng Vương cũng lệnh cho tướng Đống và tướng Hựu từ Lãng Bạc đem quân lên phối hợp để chặn đánh giặc, nhưng hai ông không gặp quân Tây Thục. Quân Tây Thục đã tới được Lãng Bạc hợp binh với quận của Mã Viện phản công lại, buộc Hai Bà Trưng phải phân tán lực lượng để chống đỡ.
Hai Bà Trưng rút quân về thành Hạ Lôi bố trí lực lượng theo thế trận “Liên hoàn ý dốc”, hỗ trợ cho nhau. Bà Trưng Nhị phòng thủ ở thành Dền, tướng Lũ Lũy trấn giữ mặt tiền Văn Lôi, tướng Ả Lã phòng thủ ở đồi Yên Nhân (xã Tiền Phong ngày nay), tướng Hồ Đề phòng thủ ở Đông Cao. Cuộc chiến giữ đất bảo vệ kinh thành Mê Linh diễn ra quyết liệt tại các địa danh: Đồng Tranh, Đồng Gai, Đồng Đỗi, Đồng Vỡ, Đồng Hàn, Đồng Đống…
Sau một năm trời cầm cự với giặc, quân Hai Bà đã chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng vì lực lượng hai bên quá chênh lệch, Hai Bà vừa đánh vừa rút về Cấm Khê (Yên Lạc, Vĩnh Phúc ngày nay). Mã Viện đem quân đuổi theo, Hai Bà đã quyết chiến đến hơi thở cuối cùng, về đến Hát Môn hội quân rồi gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết, hôm đó là ngày mùng 8 tháng 3 năm Quý Mão năm 43 (sau CN) tức mùng 6 tháng 2 âm lịch. Để ghi nhớ công tích và báo đáp ơn đức của Hai Bà, nhiều nơi đã lập đền thờ: ở Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), ở Hạ Lôi (huyện Mê Linh); ở Hát Môn (huyện Phúc Thọ), ở Phụng Hưng (Hưng Yên)….
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng với sự thành công nhanh chóng và sự suy tôn Trưng Trắc lên nắm quyền quản lý, điều hành đất nước là sự trỗi dậy của ý thức dân tộc, của ý thức tự chủ của nhân dân ta, phủ định hiên ngang cái cường quyền sai trái của Đại Hán. Đây thực chất là một cuộc đồng khởi của toàn dân trên phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo của người phụ nữ chưa tròn đôi mươi. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vì thế trở thành một hiện tượng độc đáo trong lịch sử dân tộc và hiếm có trong lịch sử thế giới. Đây là một mốc bản lề khẳng định những giá trị vĩnh viễn của thời kỳ Hùng Vương – An Dương Vương và định hướng cho tương lai phát triển của đất nước. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà là một chiến công hiển hách, một bản anh hùng ca, một trang lịch sử bất hủ của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Hai Bà đã làm chấn động cõi Nam, là lời tuyên bố hào hùng về truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm trong việc bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, song tinh thần của cuộc khởi nghĩa cùng chiến tích của Hai Bà vẫn sống mãi trong lòng người dân đất Việt.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và triều đại Trưng Vương chỉ tồn tại vẻn vẹn có 3 năm nhưng công lao to lớn đóng góp cho lịch sử đời sau là tinh thần đấu tranh giành độc lập tự chủ với những chính sách xây dựng đất nước mang đậm tính nhân văn.
III. DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỀN – CHÙA – ĐÌNH HAI BÀ TRƯNG
Kiến trúc nghệ thuật Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng tọa lạc trên một khu đất có cảnh quan đẹp, địa hình bằng phẳng, thoáng rộng, với tổng diện tích 19.999.9m2, quay theo hướng đông bắc, trông ra một hồ nước rộng trong xanh, đây chính là sự vận dụng phong thủy trong tư duy của người Việt vào việc xây dựng các công trình kiến trúc văn hóa. Quần thể được xây trên khu đất vượng khí nhằm mục đích đem lại an lành, phúc lộc cho cuộc sống nhân dân địa phương.
Đền Hai Bà Trưng được tọa lạc ở trung tâm của cụm di tích, phía trái là chùa Viên Minh, bên phải là ngôi đình thờ Thành hoàng làng (Đình Đồng Nhân). Các công trình kiến trúc được khuôn lại trong hệ thống tường bao khép kín.
1. Đền thờ Hai Bà Trưng: được xây dựng từ triều Lý Anh Tông năm Đại Định thứ 3 (1142) ở bãi Đồng Nhân, trên bờ sông Hồng đến năm Gia Long thứ 18 (1819) do đất bãi bị lở, dân làng Đồng Nhân được vua ban cấp đất tại khu vực Võ Miếu, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương để xây dựng đền thờ Hai Bà Trưng và làm nơi ở cho một số người ngoài bãi Đồng Nhân dời theo đền vào cư trú nơi đây (tức địa điểm đền Đồng Nhân ngày nay). Thời gian trôi qua, bờ sông Hồng hết lở lại bồi, một số dân còn bám trụ lại trên đất bãi nối tiếp cư trú, sinh sống và cũng đã xây dựng lại một ngôi miếu thờ Hai Bà Trưng để tưởng nhớ gốc cũ. Vì thế, hiện nay có 2 nơi thờ Hai Bà, đó là miếu thờ Hai Bà Trưng ở phường Bạch Đằng và đền thờ Hai Bà Trưng ở phường Đồng Nhân nhưng thực chất chỉ là một. Người dân Đồng Nhân ngoài bãi hay xóm Chùa Viên Minh, mọi phong tục tập quán, tín ngưỡng vẫn tuân thủ như nhau. Hàng năm cùng tổ chức lễ tết thành hoàng ở đình, hội đền diễn ra cùng ngày cả 2 nơi, rước kiệu từ Đền ra Miếu rồi đi thuyền ra sông lấy nước về làm lễ mộc dục và dâng cúng Hai Bà tại đền.
Đền Hai Bà Trưng có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Tiền bái 7 gian; ống muống (cung đệ nhị) 2 gian; hậu cung (cung đệ nhất) gồm 3 gian 2 dĩ, là nơi đặt tượng thờ Hai Bà và tượng 6 nữ tướng dàn hai bên.
Đền Hai Bà Trưng còn bảo lưu nhiều di vật quý, như: 27 đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn; 8 pho tượng thờ; 2 tấm bia đá cổ ghi sự tích của Hai Bà, 2 tượng voi bằng gỗ sơn đen, có đôi ngà voi thật; 2 bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án…có giá trị lịch sử, nghệ thuật và thẩm mỹ.
2. Chùa Viên Minh: còn được gọi là chùa Hai Bà, tên chữ là “Viên Minh Tự”. Tên chùa Viên Minh được gọi theo pháp hiệu của Hai Bà khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành Phật. Chùa nằm trong tổng thể quần thể di tích Đình – Đền – Chùa Hai Bà Trưng. Qua cổng Nghi môn bên trái đền lui về khoảng sau 1m là chùa. Chùa Viên Minh được thiết kế theo hình chữ Công gồm Tiền đường 5 gian, Ống muống 2 gian và Thượng điện 3 gian. Phía sau chùa Viên Minh là khoảng sân, tiếp theo sau khoảng sân là tới Gác chuông. Gác chuông chùa Viên Minh có mặt bằng vuông, kiểu phương đình mái chồng diêm. Lần phục dựng gần đây nhất là vào các năm 2017. Qua gác chuông là tới nhà mẫu. Nhà mẫu được thiết kế theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Bên trái gác chuông là nhà thờ Tổ, bên phải là lầu Quan Hoàng. Sau lần tu bổ, tôn tạo gần đây, lầu Quan Hoàng đã được đưa vào trong nhà Mẫu. Khu vực chùa chính có bộ khung kiến trúc gỗ lim, vì nóc kiểu giá chiêng chống rường cụt nhưng ngoại trừ những con rường ở Tiền đường được chạm nổi các hoa văn lá lật, các con chồng ở Thiên hương và Thượng điện đều được xẻ vuông căn và bào trơn đóng bén. Đây là sản phẩm của lần trùng tu những năm cuối thế kỷ 20. Tại gian giữa Tiền đường và Thượng điện còn những bộ cửa võng chạm khắc tinh xảo với các đề tài long hóa, tứ linh, tứ quý mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ 20.
Trong chùa Viên Minh hiện còn lưu giữ tấm bia cổ có tiêu đề “Viên Minh Thiền tự kỷ niệm bi chí” được tạc dưới triều Bảo Đại thứ 7 (1932) ghi lại lịch sử dựng chùa Viên Minh và sử dụng chùa Viên Minh và việc trùng tu, sửa chữa qua 6 đời trụ trì, việc trông coi chùa Viên Minh qua nhiều đời. Hiện trong chùa Viên Minh còn bảo lưu được nhiều di vật, hiện vật có giá trị như: 76 pho tượng thờ được tạo tác dưới triều Nguyễn (34 pho tượng Phật, 35 pho tượng Mẫu, 7 pho tượng Tổ, 1 quả chuông đồng đúc vào năm Gia Long 11 (1812), 20 bia đá,….
3. Đình Đồng Nhân: là một trong những di tích lịch sử văn hóa có niên đại xây dựng từ rất sớm, đình nằm sát bên phải đền thờ Hai Bà Trưng, được xây lui lại so với mặt tiền của đền. Đình thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Quốc Vương Thiên Tử và thần Đô Hồ Đại Vương. Theo các cụ kể lại, trước đây đình còn thờ thần Chiêu Ứng Đại Vương và Uyên Tuyền Đại Vương, là các vị Thủy thần, có công phù trợ cho cư dân sinh sống ở vùng ven sông.
Đình Đồng Nhân có diện mạo như ngày nay là sản phẩm của lần trùng tu vào năm Bảo Đại Canh Thìn (1940), gồm 5 gian đại đình và 1 gian hậu cung được kết nối với nhau theo hình chuôi vồ. Giá trị tiêu biểu đặc sắc của di tích còn lại là: 17 đạo phong sắc, trong đó có 5 đạo sắc của triều Lê, 2 pho tượng phỗng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, 2 tấm bia đá ghi lại quá trình trùng tu Đình.
Năm 2019, Đình được tu bổ tôn tạo lại trên cơ sở bảo tồn nguyên trạng các khối kiến trúc cổ.
Đền Hai Bà Trưng và quần thể di tích làng Đồng Nhân là di sản văn hóa quý giá của Thủ đô. Sự xuất hiện và trường tồn của di tích mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Bước vào kỷ nguyên mới và tiến tới kỷ niệm 1980 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đền Hai Bà Trưng và quần thể di tích làng Đồng Nhân đã, đang và sẽ là một điểm sáng văn hóa, nơi thu hút và hội tụ nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế đến đây chiêm ngưỡng và tưởng niệm Hai Bà. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng xứng đáng được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
IV. LỄ HỘI ĐỀN HAI BÀ TRƯNG
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tình cảm mỗi người dân Việt. Lễ hội đền Hai Bà Trưng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân ta, góp phần nâng cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trong các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, giá trị lịch sử của di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng, tạo điểm nhấn để đưa di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tiến tới lễ kỷ niệm 1980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2020 trở thành ngày hội của nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức góp phần giữ gìn và phát huy giá trị khu di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng.
Lễ hội luôn gắn bó với đời sống văn hóa cộng đồng, nó đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của con người trong xã hội cổ truyền cũng như hiện đại. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có ba nơi được coi là đền thờ chính Hai Bà Trưng. Đó là đền Hạ Lôi (huyện Mê Linh) là quê hương Hai Bà; đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), nơi Hai Bà hy sinh và đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) là nơi Hai Bà hiển linh. Mỗi nơi mở một ngày riêng: hội đền Hạ Lôi vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch (tương truyền đó là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông trong buổi đầu dựng nước và giữ nước); hội đền Đồng Nhân tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch (kỷ niệm ngày hiển linh của Hai Bà, dân bãi Đồng Nhân rước tượng của Hai Bà từ sông Cái lên thờ); hội đền Hát Môn tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch (kỷ niệm ngày hóa của Hai Bà).
Hiện nay, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, song lớn nhất và quan trọng nhất là lễ hội Hai Bà Trưng thuộc phường Đồng Nhân diễn ra vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, chính quyền và nhân dân địa bàn mở hội rước nước, tế lễ tại đền và miếu Hai Bà Trưng để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Lễ hội là một hình thức diễn xướng tâm linh, thể hiện cách ứng xử của con người với đấng thần linh và với nhân sinh.
Trước đó một ngày (mùng 5 tháng 2), nhân dân tế lễ Thành hoàng ở đình, lễ Phật tại chùa, còn lễ hội để tưởng nhớ Hai Bà thì diễn ra ở cả hai nơi: miếu thờ Hai Bà ở làng Đồng Nhân Châu, phường Bạch Đằng và đền thờ Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân. Phần lễ được tổ chức rước kiệu từ đền ra miếu để tế lễ, sau đó ngự thuyền ra giữa sông Hồng để lấy nước về làm lễ mộc dục (tắm tượng) tại đền và lấy nước dâng lễ Thánh (5 năm rước một lần).
Vào dịp lễ hội chính quyền địa phương cùng Ban quản lý di tích đón tiếp nhân dân, khách thập phương, đặc biệt có 4 xã phường kết nghĩa với các di tích cùng thờ Hai Bà Trưng gồm: Đồng Nhân, Mê Linh, Hát Môn, Phụng Công đến dâng hương lễ Thánh. Thông qua lễ hội, cũng là dịp để củng cố khối đoàn kết cộng đồng gắn kết tình cảm và trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng và giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ ở địa phương.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức từ mùng 4 đến hết mùng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, chính hội là ngày mùng 5,6 tháng 2. Cứ 5 năm có một hội lớn, thu hút rất nhiều nhân dân cùng du khách thập phương về tham dự.
* Diễn biến chính của hội:
Ngày mùng 4 tháng 2: Buổi sáng, các cụ ông phường Đồng Nhân trong trang phục truyền thống làm lễ bao sái đồ thờ và lễ tế yết xin đức Thánh khai hội. Sau đó, là lễ dâng cúng trà rượu vào hậu cung theo tục lệ xưa do các cụ bà đảm nhiệm. Tiếp theo đội tế lễ nữ phường Đồng Nhân làm lễ dâng hương.
Ngày mùng 5 tháng 2: Từ sáng, trong tiếng trống, tiếng chiêng và cờ quạt, tán lọng rực rỡ, đám rước đi ra đường Nguyễn Công Trứ rồi tiến về bờ sông Hồng, đến miếu thờ Hai Bà Trưng ở đường Bạch Đằng thì dừng kiệu. Đội rước nước khiêng 2 chóe xuống thuyền đã chờ sẵn, rồi chèo thuyền ra giữa dòng, múc nước vào đôi chóe. Sau đó, đội rước nước chèo thuyền vào bờ rồi nhập vào đám rước chính để trở lại đền. Sau khi đoàn rước đã yên vị tại đền, đội tế nữ làm lễ dâng hương lễ Thánh, vẫn là những nghi thức tế cổ truyền, có chủ tế, bồi tế, tây xướng, đông xướng, ba tuần dâng rượu, ba tuần hưng bái. Sau tuần tế là tiết mục múa đèn, đèn là một đài hoa, giữa cắm một ngọn nến đang cháy, được thực hiện bởi mười cô gái vấn khăn, mặc áo dài đen, thắt lưng điều, buộc múi chéo cạnh sườn. Hai tay cầm hai đèn đi thành hàng, lượn qua lượn lại múa trước bàn thờ, khi thì đi nối đuôi nhau, khi thì đi chéo, khi đi thẳng, khi vòng tròn, khi xếp thành một hàng, khi tách hai hàng đối diện nhau trước bàn thờ. Động tác múa nhịp nhàng, tay đưa lên xuống, mà những ngọn nến không tắt và cũng không cháy những cánh hoa. Đó là nét đặc sắc và cũng thể hiện sự khéo léo và cái đẹp độc đáo của điệu múa đèn. Dẫn nhịp cho đội múa là “con đĩ đánh bồng” di một nam đóng giả nữ, mặc áo the quần trắng, khăn lượt, đeo trống cơm, sau lưng cắm cờ đuôi nheo, hai tay “bập bùng” dẫn động tác cho đội múa đèn một cách mềm mại, duyên dáng. Đến tối, người dân sẽ tiến hành lễ mộc dục với lễ lục cúng do các vị sư làm lễ.
Ngày mùng 6 tháng 2: Buổi sáng có chương trình biểu diễn hoạt cảnh, tái hiện cảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc. Tiếp đó lễ mít tinh đón các xã quan anh về để tế hội đồng được tổ chức. Theo tục lệ truyền thống, đúng 12h trưa, cỗ chay của ông chủ cỗ và của dân làng được rước vào để làm lễ Thánh. Sau đó là lễ tế hội đồng của 4 xã, phường kết chạ là: Đồng Nhân, Mê Linh, Hát Môn, Phụng Công. Kết thúc lễ hội là màn tế giã hội đóng cửa đền của đội tế nam Đồng Nhân vào lúc xế chiều.
Ngày nay, Lễ hội chính đã trở thành Lễ mít tinh kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Mở đầu lễ kỷ niệm, các đồng chí Lãnh đạo, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các đại biểu, nhân dân của quận làm lễ dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng. Đại diện lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đã ôn lại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trên đất Mê Linh chống lại ách đô hộ của nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa đem lại thắng lợi và độc lập dân tộc trong thời gian ngắn, nhưng đã để lại bài học về ý chí đấu tranh bất khuất trong chống giặc ngoại xâm cho hậu thế.
Lễ hội diễn ra trang nghiêm, đảm bảo được nét văn hóa truyền thống đồng thời tạo thêm nét mới trong lễ hội hiện nay như: triển lãm “Hoa đất Việt” nhằm nêu bật công lao, đóng góp của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng đất nước. Tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng còn diễn ra nhiều hoạt động mang tính chất hội như: trưng bày các sản vật quê hương.
Sau các nghi lễ kỷ niệm, nhân dân và khách thập phương được thưởng thức màn nghệ thuật truyền thống tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi như: Biểu diễn võ thuật, hội thi nấu cơm, hát quan họ trên thuyền, hát chầu văn, các trò chơi dân gian như: múa roi, thi đấu cờ, chọi gà, viết thư pháp; các môn thể thao biểu diễn võ thuật, kéo co, nhảy bao bố,… thể hiện sức mạnh dẻo dai, sự khéo léo như cách Hai Bà Trưng đã dẫn dắt cuộc khởi nghĩa.
Lễ hội không chỉ mang đến cho người dân những giây phút an nhiên, vui vẻ sau một năm lao động vất vả mà sâu xa hơn hội làng Đồng Nhân còn khơi dậy cho con cháu các đời sau tình yêu quê hương, luôn biết hướng về cội nguồn nhớ ơn các vị anh hùng dân tộc đã có công đánh giặc giữ nước, giành quyền tự chủ cho đất nước và làm rạng ngời trang sử vẻ vang của dân tộc.
Tháng 12 năm 2019 – Phòng Văn hoá và Thông tin quận