Cấu trúc da thượng bì (P1) – Tế bào da được thay mới như thế nào?

0
40
Rate this post

Biết cấu tạo da để làm gì? Cứ lên mạng xem review sản phẩm rồi mua mà dùng thôi. Và rồi dùng mãi mà da chẳng chịu đẹp. Bạn lại thắc mắc “Tại sao vậy? Mình cũng dùng giống họ mà!”. Lúc này đây, không ai có thể giúp bạn trả lời những câu hỏi này cả. Vì bạn đã không hiểu làn da của mình thì còn ai hiểu được chứ! Vậy nên, đằng nào cũng phải biết, chi bằng biết ngay từ bây giờ. Hãy cùng Twins bắt đầu từ lớp đầu tiên của cấu trúc da – lớp thượng bì và tế bào Keratinocytes .

Nhiệm vụ của Twins là truyền tải khoa học làn da đến với bạn một cách thật gần gũi. Nên bạn đừng quá lo lắng những kiến thức dưới đây sẽ khó hiểu nhé! Vì Twins cũng sẽ liên hệ nhiều đến thực tế để bạn dễ hình dung hơn. Giờ thì bắt đầu thôi!

Giới thiệu chung về cấu trúc lớp thượng bì trên da

Lớp thượng bì (Epidermis) là tầng đầu tiên của cấu trúc da. Đây được xem như một hàng rào bảo vệ da trước các mầm bệnh từ môi trường. Đồng thời đảm bảo cho các hoạt động sinh lý dưới da diễn ra một cách bình thường. Tầng này thường có độ dày từ 0,7 – 1,8mm. Tuỳ vào các vùng da khác nhau trên cơ thể. Mỏng hơn cả là vùng mi mắt. Vì vậy đây cũng là vùng dễ bị tổn thương, lão hoá trên khuôn mặt. Nên bạn đừng bao giờ bỏ qua việc chăm sóc vùng mắt nhé.

cấu trúc da, lớp thượng bì, Keratinocytes

Cấu trúc lớp thượng bì trên da gồm 4 lớp chính:

  • Lớp đáy (stratum basale)
  • Lớp gai (stratum spinosum)
  • Lớp hạt (stratum granulosum)
  • Lớp sừng (stratum corneum)

Riêng lòng bàn tay, bàn chân sẽ có thêm lớp bóng (stratum lucidum). Lớp này nằm xen kẽ giữa lớp sừng với lớp hạt. Ngoài ra, lớp thượng bì cũng chứa một phần cấu tạo của nang lông và tuyến mồ hôi.

cấu trúc lớp thượng bì trên da, Keratinocytes

4 loại tế bào của lớp thượng bì

Ở đây Twins sẽ không phân tích theo từng lớp của tầng thượng bì. Vì thực chất các lớp này chủ yếu là nơi diễn ra hoạt động của tế bào. Do đó, tế bào mới là điều cần nói ở đây. Có 4 loại tế bào chính thuộc lớp thượng bì:

  • Tế bào sừng Keratinocytes
  • Tế bào sắc tố Melanocytes
  • Tế bào cảm giác Merkel
  • Tế bào miễn dịch Langerhans

Từng loại tế bào trong cấu trúc da này có những đặc điểm vô cùng thú vị. Khi tìm hiểu cách thức hoạt động của chúng, bạn sẽ phải ồ lên. Vì một số điều rất quen thuộc diễn ra trên da là do các tế bào này cả đấy. Và ở phần 1 của chuyên mục “Cấu trúc da thượng bì” này, Twins sẽ đi sâu vào tế bào sừng Keratinocytes. Hãy tập trung cao độ và chuẩn bị khám phá những điều mới mẻ này nhé!

cấu trúc da, tế bào lớp thượng bì, Keratinocytes

Tế bào sừng Keratinocytes

Nguồn gốc tạo ra tế bào chết

Keratinocytes là tế bào chiếm tới khoảng 90-95% trong cấu trúc da của lớp thượng bì. Nhiêu đây là đủ để thấy Keratinocytes quan trọng như thế nào rồi. Bình thường bạn hay sử dụng BHA, AHA, các hạt scrub để tẩy tế bào chết đúng không? Và tế bào sừng Keratinocytes chính là nguồn gốc tạo ra những tế bào chết này đấy! Nghe tới đây chắc nhiều bạn sẽ nghĩ sao tế bào này đáng ghét thế. Tạo ra biết bao tế bào chết làm bít tắc lỗ chân lông rồi còn gây mụn ẩn nữa. Tuy nhiên, những gì Twins sắp phân tích sau đây chắc chắn sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn.

Đóng vai trò quan trọng trong chu trình thay da

Keratinocytes đóng vai trò chủ chốt trong chu trình thay da của chúng ta. Chu trình này sẽ được tính từ lúc tế bào sinh ra cho đến khi chết đi và bong ra khỏi bề mặt da. Làn da người trưởng thành bình thường sẽ mất khoảng 24-48 ngày để hoàn thành chu trình này. Nhưng với trẻ em thì chỉ mất khoảng 14 ngày. Đó cũng là lý do vì sao làn da trẻ em luôn hồng hào và căng mịn. Đến khi bạn già đi, chu trình thay da có thể kéo dài đến cả trăm ngày. Thế nên làn da người già sẽ sần sùi và thô ráp hơn là vậy.

Điều này cũng sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: “Dùng một sản phẩm bao lâu thì mới có hiệu quả?”. Theo đây, nhanh thì cũng phải sau một chu trình thay da, bạn mới có thể thấy rõ sự thay đổi. Cũng chính vì thế, đối với những lời quảng cáo đại loại như “Da trắng sáng, cải thiện rõ rệt sau 7 ngày”. Bạn phải cân nhắc thật kỹ. Vì điều này đang đi ngược lại với chu trình tự nhiên của da. Và sẽ không mang lại hiệu quả cũng như sự an toàn về lâu dài.

Diễn biến chu trình thay da

Cụ thể, chu trình thay da được diễn ra như sau:

Ở lớp đáy

Tại đây, tế bào keratinocytes được sản sinh mạnh và liên tục. Trong những tế bào này, một số sẽ di chuyển lên những lớp phía trên da và trở thành tế bào chết. Một số thì vẫn ở lại với “cha mẹ” của chúng, tiếp tục duy trì quần thể keratinocyte cơ bản. Những tế bào này được gọi là tế bào gốc.

Nghe đến cụm từ “Tế bào gốc” bạn có thấy quen không? Chắc hẳn bạn cũng đã nghe đến các sản phẩm dưỡng da có chứa tế bào gốc. Nhân đây thì Twins cũng sẽ nhắc nhẹ đến vấn đề này, tránh để bạn nhận phải một cú lừa từ nhãn hàng.

Theo đó, tế bào gốc phải được sống trong một thực thể sống ví dụ như cơ thể người. Vậy thử hỏi khi cho vào một hũ kem, “bạn muốn tế bào gốc sống sao” để phát huy tác dụng lên da nè. Hay cứ cho là có mỹ phẩm tế bào gốc thật đi. Nhưng với nhiều lớp da ở trên như vậy. Mỹ phẩm đó cũng không thể nào xuống tận lớp đáy để gặp “hội bạn tế bào gốc”. Rồi thực hiện những chức năng tái tạo da gì gì đó đâu nhé. Vậy nên, hãy cẩn thận với những lời “có cánh” từ nhà sản xuất về mỹ phẩm tế bào gốc.

Ở lớp gai

Các keratinocytes sản xuất rất nhiều chất sừng keratin trong lớp này. Dần dần ở đây trở nên đầy keratin và các tế bào keratinocytes sẽ tiếp tục được đẩy lên các tầng tiếp theo. Một khi các tế bào keratinocytes rời khỏi lớp gai, chúng sẽ chết.

Ở lớp hạt

Quá trình sừng hóa bắt đầu. Keratin lúc này sẽ được chứa trong các hạt có tên gọi là keratohyalin. Những hạt này không chỉ chứa chất sừng Keratin thôi đâu. Chúng còn chứa cả Lipid (50% ceramide, 25% cholestorol, 25% acid béo) và các nhân tố giữ ẩm tự nhiên (NMF- Natural Moisturizing Factor). Nói một chút về NMF, bạn có thể bắt gặp nhân tố này dưới các dạng rất quen thuộc như muối của Acid lactic, urea, HA, peptide… đấy.

Ở lớp sừng

Lúc này các tế bào keratinocytes hoàn toàn mất nhân. Chúng trở thành các tế bào chết (cornocytes) và xếp chồng lên nhau. Khoảng 15-20 lớp tuỳ vị trí, tuỳ da của mỗi người. Ai ít lớp sừng này hơn thì da thường sẽ mỏng hơn. Các tế bào chết này sẽ ở lại trên bề mặt da khoảng 14 ngày rồi bong ra.

Vấn đề sừng hóa và cách giải quyết trong thực tế

Trong chu trình thay da này, nếu quá trình sừng hóa diễn ra bình thường thì không có gì để nói đến. Tuy nhiên, đời không như là mơ các bạn ạ. Quá trình này cũng phát sinh nhiều vấn đề.

Sừng hóa quá độ

Đầu tiên là sừng hóa quá độ. Nghĩa là quá trình thay da diễn ra quá chậm. Lớp sừng sẽ không tróc ra mà dần dần tích tụ lại tạo thành một lớp dày. Dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, dễ sinh ra mụn và ảnh hưởng đến sự thẩm thấu của sản phẩm dưỡng da. Để tránh tình trạng này chúng ta cần tẩy tế bào chết. Bạn có thể sử dụng tẩy tế bào chết cơ học hoặc hoá học.

Với cơ học: Bạn sẽ sử dụng các hạt scrub, gel, tạo ra lực ma sát bằng cách chà xát lên mặt để cố gắng nới lỏng liên kết giữa tế bào và lipid. Từ đó giúp lớp tế bào chết bong lên. Tuy nhiên cách này sẽ dễ gây tổn thương da nếu chúng ta lạm dụng. Vì vậy chỉ nên sử dụng 2-3 lần/tuần thôi nhé.

Góc đính chính: Những quảng cáo sản phẩm tẩy tế bào chết hay lấy hình ảnh kỳ cọ trên da một lúc sẽ ra ghét và nói rằng đó là tế bào chết bong ra. Hư cấu cả đấy! Thật ra đó chỉ là phản ứng giữa carbomer và các chất trong sản phẩm đó. Khi gặp lực ma sát thì sẽ tạo ra hiện tượng đấy thôi. Và chính sau lúc tạo ra ghét, bạn tiếp tục ma sát thì tế bào chết mới bị cuốn vào đó. Chứ hoàn toàn không có chuyện thoa lên là tế bào chết bong ra thành ghét đâu. Bởi vậy, bạn nhớ đọc bài của Twins thường xuyên để không nhẹ dạ tin vào mấy lời quảng cáo sai sự thật đó nha.

Với hoá học: Bạn có thể sử dụng các loại acid hữu cơ để thanh tẩy tế bào chết như AHA, BHA. Ngoài ra, AHA và BHA cũng có nhiều công dụng khác kèm theo chứ không chỉ riêng khả năng tẩy tế bào chết. Với một tỉ lệ phù hợp, chúng ta có thể sử dụng AHA/BHA hàng ngày.

Sừng hóa không hoàn toàn

Vấn đề thứ hai đó là tình trạng sừng hóa không hoàn toàn. Đây là hiện tượng chúng ta đang cố gắng loại bỏ lớp sừng quá nhanh. Khiến cho keratin, những lá sừng dưới da không được phát triển một cách đầy đủ. Điều này sẽ dẫn đến khả năng giữ nước của da giảm, sự liên kết tế bào kém. Da sẽ trở nên khô ráp, lớp màng bảo vệ da yếu. Đồng thời dễ kích hoạt tình trạng viêm da như một cách miễn dịch/bảo vệ da tự nhiên.

Để tránh tình trạng này, bạn không nên lạm dụng quá nhiều các sản phẩm chứa cồn, các chất làm sạch mạnh như SLS hay kem trộn. Tất cả những điều này đều sẽ dễ dẫn đến da sừng hóa không hoàn toàn.

Ngoài ra, những bạn lạm dụng treatment cũng có có nguy cơ gặp phải vấn đề này rất cao. Chẳng hạn như các bạn đi theo một quy trình bao gồm AHA/BHA % cao. Lại còn kết hợp với các hoạt chất như Retinol, Tretinoin. Quá nhiều chất gây bong da như vậy sẽ rất dễ làm da trở nên nhạy cảm, mỏng đi và rơi vào tình trạng sừng hoá không hoàn toàn. Do đó, hãy cân nhắc thật kỹ và hết sức thận trọng trong chuyện này.

Kết thúc phần 1 về cấu trúc da thượng bì ở đây. Twins mong bạn hãy đọc thật kỹ bài này và lấy giấy bút ghi lại cho mình những thông tin quan trọng. Để tránh bị “tẩu hỏa nhập ma” khi đến với phần tiếp theo. Trong phần 2, Twins sẽ nói về tiếp về ứng dụng của tế bào sừng Keratinocyte. Bao gồm cả 3 cơ chế hút ẩm, giữ ẩm, khóa ẩm. Nhấn mạnh là cực kỳ quan trọng để bạn biết cách dưỡng ẩm đúng cách đấy!

Hẹn gặp các bạn ở bài viết kỳ sau.

Chúc bạn luôn rạng rỡ và xinh đẹp!

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức khi chưa có sự cho phép từ Twins Skin.