Giới thiệu chung về điều kiện tự nhiện, KT, XH | Sở ngoại vụ

0
42
Rate this post

Vị trí địa lý: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ và 165 km đường sắt; phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Trung quốc, phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn. Theo chiều bắc – nam từ 22o27’- 21o19’ vĩ bắc; chiều đông – tây 106o06 – 107021’ kinh đông.

Địa hình: Địa hình Lạng Sơn phổ biến là núi thấp và đồi, ít núi trung bình và không có núi cao. Độ cao trung bình là 252m so với mực nước biển; Nơi thấp nhất là 20m ở phía Nam huyện Hữu Lũng, trên thung lũng sông Thương; Nơi cao nhất là đỉnh Phia Mè (thuộc khối núi Mẫu Sơn) cao 1.541m so với mặt biển. Hướng địa hình rất đa dạng và phức tạp: Hướng tây bắc – đông nam thể hiện ở máng trũng Thất Khê – Lộc Bình, trên đó có thung lũng các sông Bắc Khê, Kỳ Cùng và Tiên Yên (Quảng Ninh) và dãy hồ Đệ Tam đã được lấp đầy trầm tích Đệ Tam và Đệ Tứ, tạo thành các đồng bằng giữa núi có giá trị đối với ngành nông nghiệp của tỉnh như Thất Khê, Na Dương, Bản Ngà; Hướng đông bắc – tây nam thể hiện ở hướng núi thuộc các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Chi Lăng, Văn Quan và phần lớn huyện Văn Lãng, hướng này cũng thấy ở núi đồi huyện Cao Lộc (các xã Lộc Yên, Thanh Lòa và Thạch Đạn); Hướng bắc – nam thể hiện ở hướng núi thuộc các huyện Tràng Định, Bình Gia và phần phía tây huyện Văn Lãng; Hướng tây – đông thể hiện ở hướng của quần sơn Mẫu Sơn với khoảng 80 ngọn núi.

Đất đai: Theo thống kê (10/1995), diện tích đất tự nhiên là 818.725 ha, trong đó: đất nông nghiệp là 64.630,61 ha chiếm 7,59 %; đất lâm nghiệp có rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) là 172.635,01 ha chiếm 21,08 %; đất chuyên dùng là 10.787 ha, chiếm 1,33 %; đất ở là 4.611,48 ha, chiếm 0,56 %; đất chưa sử dụng và các loại đất khác là 565.969, 7 ha chiếm 69,13%. Đất đai Lạng Sơn được chia thành 7 vùng với 16 tiểu vùng địa lý thổ nhưỡng gồm 43 loại đất khác nhau phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau.

Khoáng sản: Trong địa phận tỉnh Lạng Sơn, nhóm khoáng sản kim loại gồm có kim loại đen (sắt, măng gan), kim loại màu (nhôm, péc mi sớm, quặng bô xít, quặng alít, đồng, chì, kẽm, đa kim), kim loại quý (vàng) và kim loại hiếm (thiếc, môlípđen, vananđi, thủy ngân); khoáng sản phi kim loại gồm có khoáng sản nhiên liệu (than nâu, than bùn); khoáng sản dùng làm nguyên liệu áp quang và áp điện (thạch anh kỹ thuật); khoáng sản dùng làm nguyên liệu và phân bón; khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng.

Khí hậu: Lạng Sơn mang tính điển hình của khí hậu miền Bắc Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 17 – 220C, có tháng lạnh nhất có thể giảm xuống 50 C, có lúc 00 C hoặc dưới 00 C. Nằm ở phần cực bắc của đới vĩ độ thấp gần giáp chí tuyến bắc, giữa các vĩ độ 21­019’ và 22027’ vĩ bắc, và giữa 1060 06’ và 107021’ kinh đông nên Lạng Sơn có nguồn bức xạ phong phú, cho phép các loại cây trồng vật nuôi bốn mùa sinh sôi nảy nở; tuy nhiên Lạng Sơn lại nằm ở cửa ngõ đón gió mùa mùa đông, nơi có gió mùa cực đới đến sớm nhất và kết thúc muộn nhất ở miền Bắc nước ta nên có mùa đông lạnh.

Độ ẩm trung bình năm của không khí ở Lạng Sơn phổ biến là từ 80 – 85%, thấp hơn nhiều vùng khác ở nước ta. Ít có sự chênh lệch về độ ẩm tương đối giữa các vùng và giữa các độ cao trong tỉnh.

Lượng mưa: Lạng Sơn nằm ở khu vực Đông Bắc, ít mưa của vùng khí hậu miền Bắc; lượng mưa trung bình năm là 1.200 – 1.600 mm. Nơi duy nhất có lượng mưa trên 1.600mm là vùng núi cao Mẫu Sơn (2.589mm); tại Lạng Sơn có Na Sầm (1.118 mm) và Đồng Đăng (1.100mm) là những trung tâm khô hạn của miền Bắc.

Sông ngòi: Chịu chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm trong vùng đất dốc thuộc khu miền núi Đông Bắc, Lạng Sơn có mạng lưới sông ngòi khá phong phú. Mật độ mạng lưới sông ở đây dao động trung bình từ 0,6 đến 1,2 km/km2. So với mật độ sông suối trung bình của cả nước là 0,6 km/km2 thì mật độ sông suối của Lạng Sơn thuộc loại từ trung bình đến khá dày. Lạng Sơn có 5 sông chính độc lập, đó là sông Kỳ Cùng, Sông Thương, Sông Lục Nam, sông Tiên Yên- Ba Chẽ (hay Nậm Luổi – Đồng Quy) và sông Nà Lang./.

(Nguồn: Địa chí Lạng Sơn)

ĐIỀU KIỆN KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH LẠNG SƠN

A. Điều kiện kinh tế

Dân số, lao động – việc làm: Theo kết quả tổng quan kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn năm 2012 của Cục Thống kê tỉnh, ước tính dân số của tỉnh Lạng Sơn có khoảng 745 nghìn người. Trong đó nam là 372 nghìn người, chiếm 49,95% tổng dân số cả tỉnh; nữ là 373 nghìn người chiếm 50,05 %. Dân số khu vực thành thị 143,3 nghìn người chiếm 19,22 % tổng dân số; dân số khu vực nông thôn 602,1 nghìn người chiếm 80,7%.

Cơ cấu dân số tỉnh Lạng Sơn trẻ, nguồn lao động khá dồi dào. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2012 là 490,6 nghìn người tăng 2,38 % so với năm 2011; trong đó lao động nam chiếm 50,16%, nữ chiếm 49,84%. Cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 78,05%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 4,65 %; khu vực dịch vụ chiếm 17,3%.

Các ngành và địa phương đã triển khai nhiều chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và cung cấp lao động cho các khu vực công nghiệp.

Giao thông vận tải: Lạng Sơn là một trong các tỉnh miền núi phía bắc có mạng lưới giao thông phân bố tương đối đều có thể sử dụng cả đường sắt, đường bộ và đường thủy.

– Đường sắt liên vận quốc tế từ Hà Nội đến Đồng Đăng – Lạng Sơn và cửa khẩu biên giới Việt Trung với chiều dài 165 km là một trong những lợi thế của Lạng Sơn.

– Đường bộ Lạng Sơn phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài là 2.828 km, mật độ 0,35km/km2, trong đó có các quốc lộ: 1A (nối Lạng Sơn – Hà Nội 154 km); 1B (Đồng Đăng – Thái Nguyên 105 km, chạy qua các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, nối tiếp với Bắc Cạn và thành phố Thái Nguyên), 4A (Lạng Sơn – Cao Bằng 66 km qua huyện Văn Lãng, Tràng Định nối với Cao Bằng); 4B (dài 80 km nối Lạng Sơn với Quảng Ninh qua huyện biên giới Đình Lập, Lộc Bình); Quốc lộ 31 (Đình Lập – Bắc Giang dài 61 km); quốc lộ 279 (Bình Gia – Thái Nguyên dài 55 km). Các đường tỉnh lộ dài 1.350 km và đường huyện dài 974 km. Đường bộ Lạng Sơn đã tới được tất cả các thị trấn huyện lỵ, cửa khẩu, chợ biên giới và 226 xã, phường của tỉnh.

– Đường thủy: Một số đoạn của sông Kỳ Cùng, từ khu vực Lộc Bình qua thành phố tới Văn Lãng và Tràng Định. Khối lượng vận chuyển hàng hóa còn nhỏ.

Thủy lợi và cấp nước : Thủy lợi ở Lạng Sơn là một trong những ngành được quan tâm sớm và được đầu tư khá nhiều vốn, nhằm phát triển các công trình phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tổng số các công trình đã xây dựng là 3.170 trong đó có 34 công trình hồ đập nước lớn từ 100ha trở lên. Tổng năng lực công trình có thể tưới cho 38.838 ha. Các công trình thủy lợi phục vụ được nhiều nhất cho vụ mùa 22.927 ha.

Hệ thống điện: Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi những năm vừa qua đã cố gắng vượt bậc trong việc kéo lưới điện quốc gia tới tất cả 11 huyện, thị trong tỉnh, tới các cửa khẩu và chợ đường biên. Đến nay Lạng Sơn đã có hệ thống lưới điện phân bố rộng khắp và tương đối đồng bộ từ 110KV đến 35KV và 10 KV. Tổng chiều dài lưới điện đã có 451,6 km. Tổng dung lượng điện cung cấp cho cả tỉnh là 27.000 KVA. Sản lượng điện thương phẩm tăng nhanh qua từng năm.

Mạng lưới thông tin liên lạc: Mạng lưới thông tin liên lạc là một trong những lĩnh vực sớm được đầu tư, đổi mới với tốc độ phát triển nhanh, đồng bộ và hiện đại. Các công trình xây dựng, lắp đặt thiết bị xong đã được đưa ngay vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng viễn thông kỹ thuật số hiện đại được kết nối bằng cáp quang, truyền viba tới 11/11 huyện, thành phố, 100% xã, các cửa khẩu tỷ lệ sử dụng đạt 12,6 điện thoại cố định/100 dân. Mạng bưu cục của tỉnh được tổ chức chặt chẽ, nên công văn, thư tín, điện tín hàng ngày vẫn đến tận các bản làng vùng cao. Hệ thống phát thanh, truyền hình được đầu tư xây dựng.

Các công trình phục vụ dân sinh: Các công sở ở khu vực thành phố, thị trấn, huyện lỵ được đầu tư xây dựng khẩn trương với việc sửa sang, quy hoạch, hệ thống đường sá, cấp nước… Hệ thống trường học, bệnh viện, các khu vui chơi, giải trí công cộng được đầu tư xây dựng mới toàn bộ; được cải tạo và nâng cấp.

B. Điều kiện xã hội – văn hóa

Dân tộc: Giống như các tỉnh miền núi phía Bắc, Lạng Sơn là tỉnh có các dân tộc ít người chiếm số đông (84,74 % tổng số dân của tỉnh). Là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó người Nùng chiếm 43,9%, người Tày 35,3%, người Kinh chiếm 15,3%, tập trung phần lớn ở các thị xã, thị trấn; người Dao chiếm 3,5 %, dân tộc Hoa, Sán Chay, Mông và các dân tộc khác chiếm khoảng 1,4 %.

Giáo dục: Đến nay Lạng Sơn đã củng cố, phát triển được hệ thống giáo dục đào tạo hoàn chỉnh từ giáo dục mầm non đến phổ thông trung học, từ giáo dục từ xa đến trung học chuyên nghiệp, hướng nghiệp dạy nghề, tiểu học bán trú đến phổ thông dân tộc nội trú; từ trường công lập, dân lập đến trường tư thục…

Năm 2012 duy trì vững chắc kết quả 100% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học – xóa mù chữ; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS của 226/226 xã/ phường. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm: có 99 trường. Năm học 2012- 2013 có 127.036 học sinh phổ thông; có 5.323 giáo viên tiểu học, 4.294 giáo viên trung học cơ sở và có 1.849 giáo viên trung học phổ thông.

Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục công tác tuyển sinh. Các trường được duy trì củng cố và phát triển, chất lượng đào tạo đã được nâng lên, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.

Y tế và chăm sóc sức khỏe dân cư: Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 210/226 xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã, đạt tỷ lệ 92,9 %; đạt 22,16 giường bệnh/ vạn dân; 8,4 bác sỹ/vạn dân.

Thể thao: Lạng Sơn có môn võ múa sư tử cổ truyền trong hội lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng; Ngoài ra còn có môn bắn nỏ; kéo co, đánh yến (tức din, tức diến); ném còn, đánh khăng… các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền… cũng khá phát triển. Mạng lưới trung tâm thể dục thể thao đã được mở rộng đến tận các huyện, thị, xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, công nông trường v.v.. đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu thể thao của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đời sống vật chất, tinh thần của người Tày, Nùng:

– Nhà ở: Người Tày Lạng Sơn chủ yếu làm nhà sàn, một số nơi có nhà đất, có nơi có nhà nửa sàn, nửa đất; người Nùng cũng ở nhà sàn, nhưng quy mổ thường nhỏ hơn, đơn giản về kết cấu; người Nùng phổ biến ở nhà đất (trình tường, lườn chiên)…

– Trang phục: chủ yếu là cắt may từ vải bông tự dệt có nhuộm chàm; với nhiều kiểu cách khác nhau. Đặc trưng nữ giới Tày có trang phục áo dài (slửa lì); nữ giới Nùng cũng có áo dài năm thân như Tày nhưng khác về hoa văn, cách thắt lưng, thân áo ngắn hơn; Vì vậy người Tày được các dân tộc khác gọi là cần slửa lì- người áo dài; người Nùng là cần slửa tẩn – người áo ngắn. Đặc trưng nữ giới Nùng còn có áo ngắn (Nùng cúm cọt, phàn slình) với các hoa văn, họa tiết khác biệt. Áo của nam giới Tày là áo ngắn bốn thân, xẻ ngực; trước kia còn mặc áo năm thân dài đến gối, có thắt lưng trang trí; nam giới Nùng chỉ có áo ngắn bốn thân, xẻ ngực (chất kháu)…

– Ẩm thực cổ truyền: các loại xôi, bánh (xôi màu, xôi chám; bánh chưng; bánh dày, bánh ngải; bánh tro – pẻng dứt, pẻng đắng; bánh trôi; khẩu sli; pẻng khô…; khẩu mẩu); măng đắng luộc, rau ngót rừng xào, canh măng; măng nhồi (mảy nhừng);… canh nấm (bjoóc đin, bjoóc pjào); các món ăn chế biến từ cá (cá nướng, cá sấy); từ thịt ( vịt quay, lợn quay, khau nhục, chân giò nhồi, gà tần…).

– Đồ uống: người Tày ở một số nơi có tập quán dẫn nước từ khe bằng ống tre để uống và sinh hoạt; người Nùng có tục nấu cháo loãng để ở bếp, nhất là vào mùa hè. Rượu là thứ đồ uống phổ biến ở dân tộc Tày, Nùng. Đồng bào nấu rượu bằng gạo, ngô (lẩu sliêu); rượu nếp ủ trong hũ (lẩu van);

– Hát dân ca Tày, Nùng: Hát then (Tày, Nùng), pựt; hát sli sloong hàu; sình làng (Nùng); hát lượn slương (Tày); cỏ lẩu; đồng dao và trò chơi trẻ em; phương ngôn, tục ngữ; hát quan lang;… hát ru; câu đố dân gian; truyện kể Tày Nùng.

– Tín ngưỡng, tôn giáo: Thờ cúng tổ tiên; thờ các vị thần khác ở trong nhà: (Choòng cai của người Nùng; hay gian thờ tổ tiên của người Tày có một khám thờ rất linh thiêng, đặt bên trên bàn thờ tổ tiên đó là nơi thờ Phật Bà Quan Âm (Quan Âm Bồ Tát) và Hắc Hổ Huyền Đàn, là hai vị thần rất linh thiêng, có thể giúp gia đình trừ được tà ma); thờ Bà mụ; thờ Táo quân; thờ tổ sư thầy Tào, thầy Mo, thầy Then. Thờ các vị thần của bản: Miếu (thó); một số nơi có đình thờ thành hoàng, …

– Những nghi lễ chính trong năm: Tết Nguyên đán (chiêng, vằn nèn, Kin chiêng); Hội Lồng tồng (hội xuống đồng); Tết Thanh minh (tảo mộ, chạp mả 3/3 âm lịch); Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch, hay còn gọi là diệt sâu bọ (khả mốc mèng); Lễ cúng thần ruộng, vía trâu; Tết trung thu (rằm tháng tám); Tết cốm và cơm mới vào tháng chín và mười âm lịch; Tết 14 tháng 7 (nèn bươn chất slíp slí);… Tết đông chí.

Nghề thủ công mỹ nghệ ở Lạng Sơn: Nghề trồng hồi; nghề trồng bông, dệt vải và thổ cẩm.

Văn học nghệ thuật: Một số tác giả, tên tác tiêu biểu như: Trần Khâm (1258 – 1308), tức vua Trần Nhân Tông với bài “Lạng Châu vãn cảnh”; Phạm Sư Mạnh “Đường đi Lạng Sơn” (Lạng Sơn đạo trung); Nguyễn Nghiễm (1668 – 1775) soạn tập sách Lạng Sơn Đoàn thành đồ; Lê Qúy Đôn (1726 – 1784) bài thơ “Núi chị em”; Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) với bài “Đường qua Lạng Sơn”; Phan Huy Ích (1750 – 1822) với bài thơ “Cảnh thấy trên đường Lạng Sơn”; Nguyễn Du (1766- 1820) tác giả Truyện Kiều đã viết bài thơ “ Đường qua Lạng Sơn”; Ngô Thì Hương ( 1774 – 1821);… Hai tác giả nổi bật nhất là: Ngô Thì Sỹ (1726 – 1780) với nhiều bài thơ vịnh trên đá như: Diễn trận sơn; Động Tam Thanh; tác giả Nguyễn Tông Khuê (1693 -1767) với bài “Cảnh sắc Lạng Sơn”, tập “Sứ trình tân truyện” dài 1670 câu lục bát chữ Nôm.

Nghệ thuật dân gian: tranh dân gian, tranh thờ của các dân tộc; các trò diễn và không gian nghệ thuật truyền thống: Lễ xiên đàn phá ngục ở các đám tang; trõ sỹ nông; trò Ngô; hội nàng Hai; Diễn xướng then; …

Lạng Sơn – Vùng danh lam thắng cảnh: Những điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên cho Lạng Sơn nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn cho con người. Đốc trấn Ngô Thì Sỹ từ thế kỷ XVIII đã tìm cho Lạng Sơn tám cảnh đẹp, ông gọi là Trấn doanh bát cảnh đó là:

– Quán trọ Đoàn thành,

– Phố chợ Kỳ Lừa,

– Chân núi Thành Tâm,

– Bến đá Kỳ Cùng,

– Suối đá Nhị Tam Thanh,

– Hang động Chùa Tiên,

– Thôn xóm Hoành Đường,

– Chòi canh Dương Trấn.

Các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu: trên địa bàn Thành phố Lạng Sơn có Quần thể du lịch Nhị Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc; hang động Chùa Tiên, giếng tiên; Chùa Thành (tên chữ: Diên Khánh tự); Đền Kỳ Cùng (tên chữ: Kỳ Cùng Đại Vương từ); Đền Tả Phủ (tên chữ: Tả Phủ linh từ); Đền Cửa Tây (tên chữ: Ngũ Nhạc từ); Đền cửa Đông (tên chữ: Đông Môn linh từ). Đền Bắc Lệ (tên chữ: Bắc Lệ linh từ; ở Xã Tân Thành Huyện Hữu Lũng); Đền Mẫu Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc); Đình Nông Lục (ở thôn Nông Lục, xã Hưng Vũ huyện Bắc Sơn)… Ngoài ra Lạng Sơn còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác như: Di tích khảo cổ, Cụm văn hóa Bắc Sơn; Di tích lịch sử Khu Chi Lăng; di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di tích lưu niệm về đồng chí Hoàng Văn Thụ; di tích lưu niệm về đồng chí Lương Văn Tri; Cụm di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn ./.

(Nguồn: Địa chí Lạng Sơn và trích số liệu dân số; giáo dục, y tế từ Cuốn Tổng quan kinh tế – xã hội

năm 2012 của Cục Thống kê Lạng Sơn)

TIỀM NĂNG KINH TẾ

1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế

Ngoài những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá nhân văn phong phú… Lạng Sơn còn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi, có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253 km; có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 7 cặp chợ biên giới tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu Âu. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi Nhà nước đang thực hiện chính sách đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, thì Lạng Sơn càng có điều kiện để phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt kinh tế thương mại – du lịch – dịch vụ. Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động nhất, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, là trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh.

Lạng Sơn có lợi thế về phát triển kinh tế thương mại, với điều kiện về khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống giao thông thuận lợi, nên việc buôn bán trong những năm qua ở đây rất sôi động, hàng hoá trong tỉnh, các tỉnh bạn trong cả nước qua Lạng Sơn xuất khẩu sang Trung với số lượng, chủng loại lớn, năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước tham gia xuất khẩu qua biên giới, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại – dịch vụ – du lịch ở cửa khẩu và trên địa bàn tỉnh. Thương mại Lạng Sơn phát triển nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và trung ương. Hàng năm thu thuế hoạt động thương mại chiếm trên 80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Cùng với buôn bán phát triển, ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng trong những năm qua cũng đã phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu buôn bán, du lịch của khách trong nước và quốc tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 khách sạn của Nhà nước và hàng trăm khách sạn, nhà trọ, nhà khách của các cơ quan, tập thể, tư nhân. Các khách sạn, nhà khách được nâng cấp trang thiết bị có máy lạnh, ti vi, điện thoại phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu xã hội.

Hệ thống ngân hàng tập trung ở địa bàn thành phố, các khu kinh tế cửa khẩu hoạt động năng động và hiệu quả, thủ tục tương đối đơn giản, chặt chẽ, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá và ngoại tệ.

2. Tiềm năng du lịch

Lạng Sơn là một tỉnh có lợi thế lớn về phát triển ngành du lịch, bởi sự kết hợp phong phú, hài hoà giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, lịch sử và con người. Lạng Sơn là vùng biên giới, cửa khẩu ở phía Bắc nước ta, lại nằm trên đường giao thông hết sức thuận lợi nối với thủ đô Hà Nội, thường xuyên thu hút khách du lịch tham quan, giao lưu, trao đổi, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, thiên nhiên đã ban tặng cho Lạng Sơn nhiều hang động, núi rừng tự nhiên và phong cảnh đẹp với khí hậu mùa hè mát mẻ, dễ chịu, được coi là một điểm nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng đối với các du khách từ xa đến như động Tam Thanh, động Nhị Thanh, núi nàng Tô Thị, khu du lịch Mẫu Sơn… Lạng Sơn còn là nơi nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử như ải Mục Nam Quan, ải Chi Lăng, Thành nhà Mạc đã bao lần chứng kiến các trận đánh đuổi quân xâm lược trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước, hay với nền văn hoá Bắc Sơn, căn cứ Cách mạng Bắc Sơn. Con người cần cù mến khách cùng với các lễ hội, truyền thống văn hoá làm cho Lạng Sơn luôn là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách thập.

KHÁI QUÁT LẠNG SƠN QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

Thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, nước Văn Lang của các Vua Hùng được thành lập – Lạng Sơn trở thành vùng đất của bộ Lục Hải. Từ thế kỷ IX đến thế kỷ X, Lạng Sơn trở thành đơn vị hành chính của nước Đại Cồ Việt, sau đổi tên thành Đại Việt.

1. Lạng Sơn các thế kỷ đầu độc lập (thế kỷ IX – thế kỷ XIV): Trong thời gian dài của thời kỳ độc lập, với tên gọi Lạng Châu, rồi Lạng Giang, Lạng Sơn là một vùng đất quan trọng của nước Đại Cồ Việt và Đại Việt, nơi qua lại trao đổi của cư dân, sứ bộ hai nước.

Trong ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông, có hai lần quân Nguyên – Mông bị tiêu diệt tại Lạng Sơn. Đất Lạng Sơn, vùng biên cương phía Đông Bắc của tổ quốc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân dân Đại Việt (thế kỷ XIII).

2. Lạng Sơn từ thời Hậu Lê đến đầu Nguyễn (Thế kỷ XV – đầu thế kỷ XIX)

Năm 1406, khi quân Minh sang xâm lược nước ta, Lạng Sơn lại góp phần quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Đầu năm 1426, sau khi giải phóng Thanh hóa, nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, kết hợp với các phong trào yêu nước tại các địa phương thống nhất trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ải Chi Lăng vốn được xem là cửa ải xung yếu nhất, trong kháng chiến chống quân Tống đời Lý và chống quân Nguyên – Mông đời Trần lại được chọn làm trận địa đánh đòn phủ đầu hết sức bất ngờ vào viện binh, làm hơn 100 kỵ binh của địch bị tiêu diệt, Liễu Thăng bị trúng lao chết bên sườn núi Mã Yên (ngày 20/9 năm Đinh Mùi – tức ngày 10/10/1427). Chiến thắng Chi Lăng có ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc chiến, góp phần quan trọng kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Lạng Sơn từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII

Đầu năm 1428, những tên lính Minh cuối cùng rút khỏi đất nước ta, khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, nước Đại Việt được khôi phục, đất nước trở lại thanh bình, nhân dân khắp nơi trở về xây dựng quê hương. Cuộc sống của người dân Lạng Sơn tương đối yên bình, đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân ngày càng được cải thiện, biên cương quan ải được củng cố, đất đai ruộng đồng được khai phá thêm, nhiều thắng cảnh đẹp ở Lạng Sơn như động Tam Thanh, Nhị Thanh được tôn tạo lại. Bước sang thế kỷ thứ XVI, cùng với sự suy vong của nhà Lê Sơ, Lạng Sơn rơi vào tình trạng thường xuyên bị náo động.

Từ năm 1527, Nhà Mạc thành lập, Lạng Sơn tạm yên trở lại, nhưng vẫn còn một số phụ đạo, thổ tù ủng hộ nhà Lê, không theo Mạc. Chiến tranh Nam – Bắc triều, Lạng Sơn lại chịu cảnh binh lửa.

3. Lạng Sơn từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XIX

Từ giữa thế kỷ XIX, tình hình kinh tế – xã hội Lạng Sơn trở nên khó khăn. Năm 1854, Lạng Sơn bị bão lụt lớn, mất mùa, nạn đói xảy ra. Triều đình phải vận động các tỉnh láng giềng cứu giúp. Tình hình kéo dài đến khi thực dân pháp tiến đánh Lạng Sơn (1885).

4. Quá trình chuyển biến từ phong trào đấu tranh yêu nước sang phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ năm 1891, thực dân Pháp tiến hành thiết lập chính quyền đô hộ, chúng đã thực hiện nhiều chính sách phản động về chính trị và kinh tế, khiến đời sống của nhân dân rất cực khổ bởi gánh nặng sưu thuế.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), thực hiện cuộc vận động và xây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền núi, biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn với mục đích tạo địa bàn hoạt động thuận lợi cho Đảng ta, Chi bộ Đảng cộng sản được thành lập với nhiệm vụ chỉ đạo cách mạng vùng núi biên giới Cao – Bắc – Lạng.

Từ giữa năm 1930, Chi bộ đã hướng dẫn trọng tâm vào việc gây dựng tổ chức quần chúng cách mạng ở hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ phân công gây dựng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn.

5. Sự ra đời của Chi Bộ Đảng đầu tiên và phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1933 – 1940

Trước sự tiến triển không ngừng của phong trào cách mạng quần chúng, Chi bộ Đảng vùng biên giới đã quyết định thành lập cơ sở Đảng ở Văn Uyên để làm nòng cốt chỉ đạo phong trào trước mắt và lâu dài. Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thuỵ Hùng, tổ chức kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Đảng do bản thân đồng chí trực tiếp làm bí thư. Đây là Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Văn Uyên và cũng là Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Lạng Sơn sau này.

Chấp hành chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng núi, biên giới, giữa năm 1936, đồng chí Hoàng Văn Thụ – cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng biên giới Cao – Bắc – Lạng đã trực tiếp về Bắc Sơn để giác ngộ, tổ chức các cơ sở quần chúng cách mạng. Ngày 25/9/1936, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Bắc Sơn được thành lập tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng. Được ủy nhiệm của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Phi Mỹ, trực tiếp giác ngộ, tích cực bồi dưỡng quần chúng, kết nạp đảng viên mới, thành lập Chi bộ Đảng cộng sản để làm nòng cốt chỉ đạo phong trào. Ngày 11/4/1938 với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Tràng Định được thành lập.

Khởi nghĩa Bắc Sơn với sự chuyển biến của phong trào cách mạng trong tỉnh:

Ngày 22/9/1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn. Sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy tán loạn qua Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền địch ở những vùng này bị tan rã. Nắm lấy thời cơ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, nhân dân Bắc Sơn đã vùng lên tước vũ khí của tàn binh Pháp, tự vũ trang để đánh Pháp, đuổi Nhật.

Tại Nông Lục (Hưng Vũ), sáng ngày 27/9/1940, một số đồng chí sau khi thoát khỏi nhà tù Lạng Sơn đã về họp với các Chi bộ Đảng ở Hưng Vũ, Bắc Sơn… với chủ trương lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay chiều ngày 27/9/1940, nhân dân các xã Bắc Sơn, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Trấn Yên với trang bị súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia làm ba cánh tiến đánh đồn Mỏ Nhài. Tối cùng ngày, cuộc tấn công bắt đầu. Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Quân khởi nghĩa chiếm được châu lỵ Bắc Sơn, chính quyền địch tan rã. Do chưa có sự chuẩn bị chu đáo, nên chúng ta chưa thành lập được chính quyền cách mạng và quân ta chưa chuẩn bị được lực lượng đối phó nên đã bị quân Pháp đàn áp, chiếm lại châu lỵ. Tuy nhiên, quân địch không thể dập tắt được tinh thần chiến đấu của nhân dân. Phong trào cách mạng và khí thế Khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn duy trì.

6. Cách mạng tháng 8 năm 1945 (1941- 1945)

Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, dưới sự tăng cường chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng và sự vận động, tổ chức tích cực của cứu quốc quân từ căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, các đội vũ trang tuyên truyền chiến đấu đã lần lượt ra đời ở nhiều địa phương trong tỉnh như Hội Hoan (Thoát Lãng); Thụy Hùng ( Văn Uyên); Chí Minh (Tràng Định).

Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1945, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng, các ban Việt Minh ở các châu Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Bằng Mạc, Tràng Định, Thoát Lãng, Điềm He đã phát động quần chúng cách mạng nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Trước đó, ngày 19/8 tại Đồng Mỏ (Ôn Châu), quần chúng cách mạng đã làm chủ châu lỵ, Ôn Châu giải phóng. Cùng ngày lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã nổi dậy làm chủ Phố Mẹt, châu lỵ Hữu Lũng. Ngày 21/8, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã bao vây, tước vũ khí Nhật, làm chủ Thất Khê, giải phóng Tràng Định. Tiếp đó là giải phóng Thoát Lãng ngày 22/8; ngày 25/8 lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng lân cận đã tiến vào thị xã, bao vây dinh tỉnh trưởng bù nhìn, buộc địch đầu hàng.

7. Kháng chiến chống pháp (từ 1946 – 1954)

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1946, Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng, trong đó đề ra đường lối chỉ đạo kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng bước vào những trận chiến đấu mới chống quân thù.

Cơ quan lãnh đạo của tỉnh đã rút từ căn cứ Ba Xã (Điềm He) về Kéo Coong (Bình Gia) để kịp thời đối phó với kế hoạch quân sự của địch ngay trên địa bàn Lạng Sơn. Đến cuối năm 1947, các căn cứ du kích của tỉnh bắt đầu được xây dựng ở Chi Lăng (Lộc Bình); Ba Sơn (Cao Lộc) hình thành vành đai chiến tranh du kích trong khu vực khống chế của địch.

Ngày 30/10/1947, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với quân chủ lực phục kích địch ở Bông Lau, tiêu diệt 94 tên Pháp, phá hủy và làm hỏng 27 xe quân sự của địch. Chiến thắng Bông Lau đã mở đầu cho hàng loạt những trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trên đường số 4. Phát huy tinh thần chiến thắng Bông Lau, từ cuối năm 1947, các lực lượng vũ trang đã liên tiếp tiến công giành nhiều thắng lợi lớn ở Đèo Khách, Bản Nằm, Lũng Vài góp phần tiêu hao sinh lực và chia cắt kế hoạch tiến công lớn của địch.

Giữa năm 1948, phối hợp nhịp nhàng với quân và dân vùng tự do, quân và dân ở những vùng tuyến trước dọc đường số 4 Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc , Văn Uyên, Thoát Lãng, Tràng Định đã thường xuyên tiến công địch. Thực hiện phong trào thi đua “Cướp súng giặc giết giặc” do Tỉnh ủy phát động và khẩu hiệu “Làm chủ đường số 4 đi đến cắt đứt đường số 4”, ngày 12/9/1948, quân ta tiêu diệt đồn Nà Cáy mà không tốn một viên đạn.

Cùng với phương án tác chiến binh vận, ngày 16/9/1948, lực lượng du kích của ta đã tiến công đồn Lũng Vài, tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều vũ khí. Trên đà thắng lợi đã liên tiếp tập kích các đồn Đồng Đăng, Lũng Phầy… làm cho địch suy yếu.

Từ đầu năm 1949, các lực lượng vũ trang đã liên tiếp tiến công tiêu diệt địch, bước sang giai đoạn tổng phản công, đánh bại hoàn toàn quân địch.

Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch biên giới do đồng chí Võ Nguyên Giáp – Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng, kiêm bí thư. Ngày 16/9/1950, quân ta tiến công đồn Đông Khê. Sau hai ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân ta giành thắng lợi. Trên đà thắng lợi, các lực lượng chủ lực có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương đã liên tiếp tiến công tiêu diệt địch trên toàn tuyến đường số 4.

Từ ngày 03 đến ngày 08/10/1950, quân ta đã đánh tan 2 binh đoàn chủ lực của Pháp, tiêu diệt cánh quân cứu viện của chúng từ Hà Nội lên. Ngày 10/10/1950, địch rút khỏi thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định giải phóng. Ngày 13/10/1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, hai huyện Văn Uyên, Thoát Lãng giải phóng. Ngày 17/10/1950, địch rút khỏi thị xã Lạng Sơn, Lộc Bình, quân ta vào tiếp quản thị xã. Ngày 22/10/1950 địch rút khỏi An Châu (Đình Lập), chấm dứt sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên đất Lạng Sơn.

8. Lạng Sơn sau chiến thắng Điện Biên phủ năm 1954:

Đẩy mạnh cải cách dân chủ, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển kinh tế- xã hội (1955 -1960); Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1961 – 1965).

Năm 1961, trước những thất bại liên tiếp trong “chiến tranh đặc biệt” ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Trong những năm tháng đối đầu với nhiều đợt bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, bằng nhiều hành động thiết thực và lòng dũng cảm cao độ, các đội thanh niên xung phong và quân chủ lực đã góp công sức không nhỏ vào thành tích của quân và dân các dân tộc trong tỉnh.

Vừa củng cố, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, vừa tiến hành chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ (1966 – 1972).

9. Phát triển kinh tế – xã hội (giai đoạn 1973-1978)

Trong giai đoạn này Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn chủ trương đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng – cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học, kỹ thuật và cách mạng tư tưởng. Đẩy mạnh sản xuất nông – lâm – nghiệp, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển sản xuất công nghiệp địa phương và các ngành kinh tế khác. Đến năm 1975, sản lượng lương thực của tỉnh tăng 7% so với năm 1972, phong trào thâm canh, xen canh, tăng vụ lúa, hoa màu được nhân rộng và phát triển tới những vùng cao hẻo lánh, xuất hiện nhiều hợp tác xã có phong trào chăn nuôi trâu, bò.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập thành tỉnh Cao Lạng. Thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần thứ nhất, đến cuối năm 1978, tỉnh Cao Lạng đã đạt một số thành tích như GDP của tỉnh đạt 383 triệu đồng, trong đó giá trị sản lượng nông – lâm – nghiệp đạt 120 triệu đồng, sản lượng lương thực đạt 114 nghìn tấn. tháng 12/ 1978, tỉnh Cao Lạng lại tách ra thành hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

10. Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới của Tổ quốc (1979- 1985).

11. Hơn 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó có 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội:

Bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, Lạng Sơn gặp không ít khó khăn thách thức. Là tỉnh miền núi, biên giới, có xuất phát điểm thấp, còn nghèo, lại phải đối mặt với những diễn biến khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết. Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã “Chung sức, đồng lòng” phấn đấu, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, tin tưởng vào đường lối đổi mới. Đặc biệt từ năm 1991, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đề ra. Sự nghiệp đổi mới của tỉnh ngày càng có những chuyển biến và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng khá cao: GDP giai đoạn 1986 – 2000 tăng bình quân 7,53 %/ năm, giai đoạn 1991 – 2000 tăng 9,57% năm và giai đoạn 2001 – 2003 là 9,96%/ năm./.

(Nguồn trích từ Cuốn “Lạng Sơn – Thế và lực mới trong thế kỷ XXI”

Do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 02 năm 2005)