Kinh nghiệm học thi chứng chỉ Green Belt (phần 1)

0
63
Rate this post

Chứng chỉ Lean Six Sigma Green Belt là gì?

Hệ thống chứng chỉ cải tiến theo phương pháp Six Sigma được phân cấp như sau theo thứ tự từ thấp đến cao White Belt, Yellow Belt, Green Belt, Black Belt, Master Black Belt. Chứng chỉ Green Belt là một chứng chỉ thể hiện khả năng trong việc trực tiếp thực hiện các dự án cải tiến theo phương pháp Six Sigma (hoặc Lean Six Sigma).

Tại sao nên học Six Sigma Green Belt?

Thứ nhất là về mặt kiến thức, bên cạnh rất nhiều kiến thức và chứng chỉ về dự án như PMP, PMAP, PfMP… thì Six Sigma Green Belt, bên cạnh một phần kiến thức thuộc về “quản lý dự án” (nhưng không chuyên sâu như PMP) còn cung cấp các phương pháp và nhiều công cụ đặc thù hơn liên quan đến việc thực hiện các dự án chuyên về hoạt động cải tiến liên tục như phân tích quy trình, phân tích chuỗi giá trị, phân tích nhu cầu khách hàng, phân tích dữ liệu, kiểm định giả thiết thống kê (hypothesis testing, ANOVA…), phân tích hệ thống đo lường, thiết lập hệ thống kiểm soát quy trình (Statistic Process Control – SPC…), các hoạt động quản lý đội nhóm cải tiến liên tục.

Thứ hai là hiện nay Six Sigma Green Belt cũng là một trong top các chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp trên thế giới được trả mức lương cao (Top Paying Certificates). Một số chứng chỉ các chuyên gia dự án thường sở hữu như PMP, Certified Scrum Master (CSM), CPBA… Lợi thế của Six Sigma là nền tảng kiến thức và công cụ về phân tích data, thống kê, kiểm định giả thiết và cực kỳ hữu dụng ở thời đại công nghệ 4.0, Big Data như hiện nay.

Thứ ba là việc sở hữu một chứng chỉ Six Sigma Green Belt được recognized trên thế giới giúp bạn tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm ở các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới. Rất nhiều công ty và tập đoàn trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện… đã và đang áp dụng phương pháp Six Sigma trong hoạt động cải tiến của mình.

Thứ tư là vì việc áp dụng phương pháp Six Sigma ở góc độ các tập đoàn đa quốc gia mang lại các khoản “lợi nhuận” từ hoạt động cải tiến lên đến hàng tỷ USD như tại G.E (General Electric) dù không cần tăng giá bán sản phẩm. Ở góc độ cá nhân việc thì việc tìm hiểu và áp dụng phương pháp Lean Six Sigma, kết hợp với kinh nghiệm làm việc giúp bạn trở thành chính người có khả năng giúp công ty đạt được các khoản “lợi nhuận” tuyệt vời ấy.

Ai nên học phương pháp Six Sigma Green Belt?

Phương pháp Six Sigma phù hợp với tất cả những ai yêu thích hoạt động cải tiến hoặc đang làm các hoạt động về cải tiến quy trình, chất lượng, dịch vụ, đặc biệt là các bạn quản lý hoặc trực tiếp thực hiện các dự án cải tiến nhỏ lớn ở công ty.

Nếu là chủ doanh nghiệp thì áp dụng Six Sigma là một lựa chọn tuyệt vời với những lợi ích đã nêu ở trên.

Nếu là người có kinh nghiệm làm việc thì học Six Sigma để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của công việc và các yêu cầu về thực hiện cải tiến ở công ty, ở thời đại 4.0 khi mà mọi thứ thay đổi cực nhanh, có những công việc có thể bị thay thế bởi máy móc và biến mất.

Nếu là người mới bắt đầu đi làm, hiểu và áp dụng Six Sigma giúp bạn đưa ra những ý kiến hợp lý hơn, có cơ sở hơn và thuyết phục hơn (data-driven và fact-based). Sẽ không còn cảnh gặp khó khăn khi đề xuất ý tưởng nhưng bị sếp gạt đi vì trẻ trâu toàn nghĩ trên trời, cái gì cũng làm được mà không có cơ sở gì hết.

Học và áp dụng Six Sigma Green Belt như thế nào?

Ở đây mình tạm chia thành 2 cách học theo 2 mục đích khác nhau.

Mục đích thứ nhất là học để áp dụng vào thực tế và không muốn tốn quá nhiều thời gian. Điều này khá hợp lý và hoàn toàn khả thi, giống như mọi môn học, mọi kiến thức như thời đại học, bạn chỉ cần nắm rõ 20% số phương pháp và công cụ có thể giúp bạn giải quyết đến 80% các vấn đề hằng ngày (quy luật Pareto). Tuy nhiên để biết đâu là 20% (có thể ít hơn) trong khối kiến thức của phương pháp Six Sigma thì bạn có thể tìm kiếm các khóa học được dạy bởi những người đã có bề dày nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế, vì 20% cốt lõi chỉ có thể rút ra được trong quá trình làm việc, những trải nghiệm và đôi lúc là kinh nghiệm “đau thương”.

Mục đích thứ hai là học để thi lấy chứng chỉ hành nghề. Như vậy bạn cần học đủ khối kiến thức và tìm một đơn vị có danh tiếng để đăng ký thi. Hiện nay tùy theo đơn vị cung cấp chứng chỉ mà hệ thống tài liệu (body of knowledge) có thể khác nhau, do đó mà nội dung chương trình và kế hoạch học tập có thể khác nhau rất nhiều. Việc lấy chứng chỉ có giá trị quốc tế ở tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi, các đơn vị quốc tế đều cung cấp dịch vụ thi của họ trên toàn cầu thông qua các đối tác giám khảo đạt chuẩn quốc tế như Prometric. Nếu các bạn đã có kinh nghiệm thi chứng chỉ quốc tế tại Việt Nam có lẽ sẽ không còn “xa lạ” với hình thức thi của Prometric, tuy nhiên độ khó và danh tiếng của đơn vị cấp bằng là điều quan trọng nhất khi bạn lấy bất kỳ chứng chỉ hành nghề nào.

(bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, và còn tiếp…)