Cách tẩy nốt ruồi tại nhà và cơ sở y tế: Lưu ý trước khi thực hiện

0
38
Rate this post

Nốt ruồi là gì?

Nốt ruồi là những đốm màu nâu, đen hoặc đỏ thường xuất hiện trên da. Chúng có thể được hình thành khi mới sinh ra hoặc trong quá trình trưởng thành. Nốt ruồi được tạo thành do tế bào biểu bì và hắc tố. Chúng có xu hướng sậm màu khi tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc do tác động của nội tiết tố trong thai kỳ. Mỗi người thường có từ 10 – 40 nốt ruồi trên cơ thể.

Có nên loại bỏ nốt ruồi không?

Hầu hết nốt ruồi lành tính và không thay đổi theo thời gian. Trường hợp nốt ruồi ác tính, cần phẫu thuật hoặc tiểu phẫu để tránh biến chứng và di căn. Với các nốt ruồi lành tính, không cần điều trị. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc gây cọ sát với quần áo, gây khó chịu. Do đó, nhiều người tìm cách loại bỏ nốt ruồi.

Chẩn đoán nốt ruồi thông thường và nốt ruồi bệnh lý

Bác sĩ da liễu chẩn đoán nốt ruồi bằng cách nhìn vào da và thực hiện soi da bằng máy hiện đại. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tình trạng nốt ruồi, cụ thể như:

  • Lần đầu tiên bạn nhận thấy nốt ruồi này vào khi nào?
  • Nốt ruồi có thay đổi về hình dạng, màu sắc không?
  • Từng phẫu thuật/tiểu phẫu loại bỏ nốt ruồi khác chưa? Có khám trước khi phẫu thuật/tiểu phẫu hay không?
  • Gia đình có người mắc ung thư da hoặc các loại ung thư khác?
  • Có từng bị cháy nắng, bong tróc hoặc thường xuyên tiếp xúc với bức xạ tia cực tím?

Nếu nghi ngờ nốt ruồi ác tính, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào để xem tế bào ung thư. Nếu phát hiện tế bào ung thư, cần phẫu thuật hoặc tiểu phẫu nốt ruồi để tránh biến chứng và di căn. Khi thấy nốt ruồi tăng kích thước đột ngột, thay đổi màu sắc, bạn nên khám bác sĩ da liễu để kiểm tra, tầm soát. Nếu bạn có tiền sử ung thư da, bác sĩ da liễu sẽ khuyên bạn kiểm tra thường xuyên hơn.

Nốt ruồi nào có thể trở thành ung thư?

Do tác động của tia UV trong ánh nắng mặt trời, các tế bào hắc tố trong nốt ruồi có thể tiến triển thành tế bào ung thư. Vì thế cần chú ý đặc biệt đến các nốt ruồi ở những vùng cơ thể có phơi với ánh nắng như mặt, cổ, da đầu (nếu không đội nón), lưng. Ngoài ra, các nốt ruồi ở các vị trí chịu sự va chạm thường xuyên như da đầu (chải tóc chạm vào nốt ruồi), nốt ruồi ở dây áo ngực của phụ nữ, nốt ruồi ở thắt lưng quần… dễ bị trầy thường xuyên, kích thích tế bào tăng sinh và lâu ngày dẫn đến hình thành tế bào ung thư. Do đó, đối với nốt ruồi ở những vùng phơi bày với ánh nắng hoặc ở những vị trí thường xuyên bị va chạm, cần phải kiểm tra nốt ruồi thường xuyên, nếu có dấu hiệu lạ như nốt ruồi to ra nhanh, chảy dịch, màu sắc không đều, bề mặt xù xì không trơn láng hoặc nốt ruồi đang có lông bị rụng hết lông… cần đi gặp bác sĩ để loại trừ hoặc phát hiện sớm bệnh ung thư da.

Cách loại bỏ nốt ruồi tại cơ sở y tế

Tại cơ sở y tế, có ba phương pháp thường được sử dụng để loại bỏ nốt ruồi:

  1. Bắn tia laser: Phương pháp hiện đại, an toàn và ít để lại sẹo. Bác sĩ sẽ sử dụng máy laser chiếu vào nốt ruồi cần đốt. Tia laser sẽ loại bỏ tế bào sắc tố ở lớp thượng biểu bì bằng cơ chế làm “bốc hơi” mô nốt ruồi. Phương pháp này còn giúp tiêu diệt sắc tố nằm sâu dưới da.

  2. Đốt điện: Dòng điện sẽ phá huỷ mô nốt ruồi nhưng cũng dễ gây tổn thương vùng da xung quanh. Hiện nay, với công nghệ mới đốt điện bằng sóng RF hoặc bằng tia Plasma, có ưu điểm ít gây đau, giúp mau lành thương và ít để lại sẹo xấu.

  3. Tiểu phẫu: Thường được sử dụng với nốt ruồi lớn, gồ ghề hoặc ăn sâu vào bên trong da. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem nốt ruồi có ác tính không. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước nốt ruồi và tình trạng lành hay ác tính, bác sĩ sử dụng dao tiểu phẫu với thao tác vết rách nông hoặc sâu. Sau đó, bác sĩ khéo léo khâu vết rách để không để lại sẹo xấu.

Trường hợp nghi ngờ nốt ruồi có thể bị ung thư, bắt buộc phải làm tiểu phẩu để lấy trọn vẹn mô da có chứa nốt ruồi, đưa mẫu mô về phòng xét nghiệm để các bác sĩ giải phẫu bệnh tìm tế bào ung thư (không sử dụng laser hay đốt điện vì sẽ làm cháy mô, tế bào không còn nguyên vẹn nên không thể coi được dưới kính hiển vi).

Cách loại bỏ nốt ruồi tại nhà có an toàn?

Thay vì đến bệnh viện, nhiều người tự loại bỏ nốt ruồi tại nhà bằng các phương pháp dân gian như tẩy nốt ruồi bằng tỏi, mật ong, nước ép hành tây, giấm táo, …được ưa chuộng. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp dân gian thường không đáng kể và nếu không thành công, có thể gây nhiễm trùng, hình thành sẹo xấu và thậm chí kích hoạt tiến trình gây ung thư. Một số còn truyền tai nhau sử dụng các axit trái cây, axit nhẹ để lột nốt ruồi. Nhưng các hóa chất này không tẩy hoàn toàn được nốt ruồi và còn có thể làm cho nốt ruồi biến thành tế bào ung thư. Các sản phẩm kem tẩy nốt ruồi trên thị trường cũng không được đảm bảo hiệu quả và có thể gây nguy hiểm. Trước khi sử dụng kem tẩy nốt ruồi, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để tránh gặp phải hậu quả không mong muốn.

Các biện pháp thay thế việc loại bỏ nốt ruồi

Loại bỏ nốt ruồi không được thực hiện bởi bác sĩ giỏi, tay nghề cao, máy móc hiện đại, dễ để lại sẹo. Do đó, nhiều người không loại bỏ mà dùng kem che khuyết điểm. Tuy nhiên, trang điểm che nốt ruồi thường chỉ áp dụng cho nốt ruồi nhỏ, ít nổi trên bề mặt da.

Cách chăm sóc da sau khi loại bỏ nốt ruồi

Dù loại bỏ nốt ruồi bằng phương pháp nào, việc chăm sóc vết thương sau khi loại bỏ rất quan trọng. Vùng da sau khi loại bỏ nốt ruồi thường nhạy cảm, dễ tổn thương. Chỉ cần không cẩn thận, nốt ruồi có thể loang lổ, nhiễm trùng, để lại sẹo xấu, gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là vị trí ở mặt.

Hiện nay, với máy soi da thông minh, công nghệ laser, đốt điện hiện đại, nốt ruồi có thể được loại bỏ ngay lập tức. Sau đó, bạn cần giữ ẩm bằng các loại băng hydrocolloid giúp sẹo bớt lõm. Khi dịch tiết từ vết thương thấm ướt băng, bạn nên dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch polyhexanide để rửa vết thương, rồi thay băng khác. Không nên dùng dung dịch oxy già hoặc chứa i-ốt vì chúng làm vết thương lành lâu hơn. Khi vết thương lành, bạn bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ da liễu.

Để vết thương hồi phục tốt, bạn nên bảo vệ kỹ vết thương, tránh gãi, chà xát, nhất là trong giai đoạn lên da non gây ngứa, khó chịu. Khi ra ngoài, nên che chắn cẩn thận, tránh để lớp da non tiếp xúc với ánh nắng dẫn đến sạm. Ngoài ra, bạn không nên dùng mỹ phẩm cho đến khi vết thương lành hẳn.

Chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình chăm sóc sau khi loại bỏ nốt ruồi. Dân gian thường kiêng thịt gà, rau muống, hải sản để tránh sẹo lõi sau khi loại bỏ nốt ruồi. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy các loại thức ăn trên ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sẹo hoặc gây ra sẹo lõi. Tuy nhiên, nếu cảm giác ngứa ngáy tăng lên sau khi ăn các thực phẩm trên, bạn nên hạn chế hoặc thậm chí kiêng để dễ chịu hơn.

Một số câu hỏi thường gặp khi loại bỏ nốt ruồi

1. Loại bỏ nốt ruồi có an toàn không?

Loại bỏ nốt ruồi có an toàn hay không phụ thuộc vào bạn loại bỏ nốt ruồi tại nhà hay cơ sở y tế. Nếu loại bỏ nốt ruồi tại bệnh viện có bác sĩ da liễu giỏi, công nghệ hiện đại, thì sẽ đảm bảo an toàn. Nếu tự loại bỏ nốt ruồi tại nhà bằng các phương pháp dân gian hoặc tại các cơ sở thẩm mỹ không có chuyên môn, dễ gặp phải biến chứng viêm loét, sưng tấy, mưng mủ, sẹo lõm… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

2. Sau khi loại bỏ nốt ruồi có mọc lại không?

Nốt ruồi hoàn toàn có thể mọc lại nếu bạn loại bỏ tại nơi không uy tín, cơ sở thẩm mỹ “chui”. Ngoài ra, khi loại bỏ tại nhà, nguy cơ nốt ruồi cũng xuất hiện trở lại rất cao. Trong khi đó, nếu loại bỏ tại bệnh viện với bác sĩ da liễu có tay nghề cao, chuyên môn giỏi và máy móc hiện đại, nốt ruồi hiếm khi quay trở lại.

3. Loại bỏ nốt ruồi để lại sẹo không?

Loại bỏ nốt ruồi có để lại sẹo hay không phụ thuộc vào bạn loại bỏ nốt ruồi tại nhà hay cơ sở y tế và cách chăm sóc. Bạn nên loại bỏ nốt ruồi tại bệnh viện có bác sĩ da liễu giỏi và chăm sóc vết thương đúng cách để không bị sẹo xấu.

4. Sau khi loại bỏ nốt ruồi có sẹo phải làm sao?

Nếu tự loại bỏ nốt ruồi tại nhà hoặc loại bỏ tại bệnh viện nhưng do chăm sóc vết thương không tốt dẫn đến sẹo xấu, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn cách chữa trị sẹo. Tuyệt đối không được tự ý dùng dao hay vật sắc nhoằn tác động vào sẹo hoặc các loại thuốc dân gian, mỹ phẩm trên thị trường bôi vào.

5. Có nên tự tẩy nốt ruồi tại nhà không?

Các phương pháp tẩy nốt ruồi tại nhà được mô tả trên các trang mạng xã hội có vẻ dễ dàng và tiện lợi. Nhưng nhiều người lại chọn cách loại bỏ nốt ruồi tại nhà vì không muốn đến bệnh viện đông đúc. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp điều trị tẩy nốt ruồi tại nhà có hiệu quả, đồng thời chúng lại gây nguy hiểm.

Hơn nữa, một số nốt ruồi có kích thước lớn, chân ăn sâu vào bên trong biểu bì. Các phương pháp tẩy tại nhà không làm nốt ruồi bong tróc chân hoàn toàn nên dễ mọc lại. Nếu dùng vật sắc nhoằn (dao, kéo, kim…) đâm vào nốt ruồi, có nguy cơ tổn thương đến các dây thần kinh, dẫn đến nguy kịch tính mạng.

Một rủi ro khác khi tự tẩy nốt ruồi là bạn không thể biết liệu nốt ruồi có phải ung thư hay không. Một nốt ruồi có thể là u ác tính. Nếu vô tình loại bỏ nốt ruồi ác tính tại nhà, nó có thể lan khắp cơ thể và đe dọa tính mạng.

Cách loại bỏ nốt ruồi an toàn, không để lại sẹo luôn là lựa chọn hàng đầu của chị em. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với ưu thế thiết kế rộng rãi, đảm bảo sự riêng tư, bác sĩ khoa Da liễu tay nghề cao, kiến thức chuyên sâu, khám và điều trị hiệu quả các vấn đề về da. Khi có nốt ruồi, thay vì tự ý loại bỏ, bạn nên đến khám với bác sĩ khoa Da liễu để được kiểm tra, tư vấn cách loại bỏ an toàn, hiệu quả nhất.

Dnulib.edu.vn