✴️ Vị thuốc Quế

0
51
Rate this post

1. Mô tả

  • Cây to, cao 10 – 20m. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu.
  • Lá mọc so le, dày cứng và dai, hình mác, dài 12 – 25cm, rộng 4-8cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm bóng, mặt dưới màu xám tro, hơi có lông lúc còn non; gân 3, hình cung, nổi rõ ở mặt dưới, gân bên kéo dài đến đầu lá, gân phụ nhiều, song song; cuống lá to, dài 1,5-2cm, có rãnh ở mặt trên.
  • Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần đầu cành thành chùy dài 7-15cm; bao hoa gồm 6 phiến gần bằng nhau, màu trăng, dài 3mm, mặt ngoài có lông nhỏ.
  • Quả hạch, hình trứng hoặc hình bầu dục, có cạnh dài 1,2 – 1,3cm, nằm trong đài tồn tại nguyên hoặc chia thùy. Vỏ và lá vò ra có mùi thơm.
  • Mùa hoa: tháng 4-7; mùa quả: tháng 10-12.

Một số loài quế thường gặp trong tự nhiên:

Quế quan

  • Tên khác: quế ống, quế Srilanca, quế khâu. Cây có kích thước trung bình.
  • Cành non có 4 cạnh, hơi dẹt có lông nhỏ rải rác. Lá mọc đối hoặc gần đối (ít khi so le), hình bầu dục, gân lá 3 – 5, gồ lên ở cả hai mặt. Cụm hoa dài hơn lá; bao hoa dài 5-6 mm, màu vàng. Quả dài 1,3 – 1,7 cm, có đài tồn tại to. Mùa hoa quả: tháng 5-9.

Quế Thanh

  • Tên khác: quế quỳ, de bầu, quế tử, quế lá tù, ngọc quế.
  • Cây to, cành non có cạnh, có lông, sau nhẵn. Lá thuôn đến mác thuôn, có mũi nhọn mềm, mặt dưới phủ vảy nhỏ, gân bên không kéo dài đến đầu lá, gân phụ mờ. Hoa trắng, bao hoa đài 3 mm. Quả dài 8 – 10mm, đài tồn tại nhỏ.

Quế rành

  • Tên khác: quế bì, quế xanh, trèn trèn, quế lợn, âm hương.
  • Cây có dạng đẹp, vỏ nhẵn, màu xám. Lá thuôn, màu lục sẫm ở cả hai mặt. Cụm hoa ngắn, mảnh. Quả gần hình cầu, có mũi nhọn. Mùa hoa: tháng 7.

2. Phân bố, sinh thái

Cinnamomum Blume là một chi lớn gồm khoảng 270 loài, hầu hết là cây gỗ; phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Ấn Độ có 20 loài; Trung Quốc 12 loài và Việt Nam 40 loài. Ở Việt Nam, nhiều loài mang tên quế, trong đó, có 3 loài là cây trồng, còn lại là mọc hoang dại.

Quế có nguồn gốc ở Việt Nam, cách đây khoảng hơn 2000 năm, các triều đại phong kiến đã coi “quế Giao Chỉ” (Giao Chỉ là tên nước Việt cổ) như là sản vật quý để trao đổi và triều cống (Lê Trần Đức, 1990). Nhiều vùng quế đã được hình thành từ lâu đời ở Yên Bái; Quảng Ninh; Thanh Hoá (Thường Xuân); Quảng Nam (Trà My, Phước Sơn) và Quảng Ngãi (Trà Bồng)…

  • Quế là cây gỗ ưa sáng và chịu bóng, nhất là thời kỳ cây còn nhỏ (1-5 năm).
  • Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình năm cho cây sinh trưởng phát triển mạnh là 22 – 23°C; độ ẩm không thích trung bình khoảng 80%; lượng mưa hàng năm khoảng 1.600 mm hoặc hơn.
  • Cây mọc được trên nhiều loại đất ẩm, nhiều mùn và tơi xốp, pH : 4,5 – 5,5. Quế có bộ rễ cọc khoẻ, cắm sâu xuống đất nên ít bị đổ khi có gió bão.

3. Cách trồng

Quế được trồng từ lâu ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Cây có thể nhân giống được bằng hạt, chiết cành hoặc tách mầm.

Quế ưa đất rừng có lớp đất mặt dày, tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước, độ pH 4 – 5, độ dốc không quá 35%, độ cao trên 400 m, nhiều ánh sáng và khuất gió. Khi trồng, đào hố 30 x 30 x 30 cm. Nếu có điều kiện nên bón lót 5 – 7 kg phân chuồng, phân xanh ủ mục. Quế thường được trồng xen với mía, sắn hoặc chè vối khoảng cách 2 x 5 m hoặc tùy theo yêu cầu của cây trồng xen.

Nhân giống:

Hiện nay, phương pháp nhân giống bằng hạt qua vườn ươm là chủ yếu.

  • Hạt giống quế cần lấy ở cây 15-20 năm tuổi, mọc tốt tán lá đều, quả mập và sai. Khi quả chín được 1/3, vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu tím thì thu hái.
  • Nên lấy quả ở những cành cách ngọn cây 1m trở xuống. Quả lấy về cần ủ 2 – 3 ngày cho chín đều, sau đó đem xát bỏ thịt quả, đãi lấy hạt.
  • Hạt quế mất sức nảy mầm rất nhanh, không chịu được điều kiện bảo quản khô. Vì vậy, cần gieo ngay khi mới thu hái.

Làm bầu:

Trước khi gieo, hạt cần được xử lý trong nước 40 – 45°C trong 6 giờ, loại bỏ hạt nổi, rửa sạch, để ráo nước, ủ trong cát ẩm cho nứt nanh rồi đem gieo vào bầu.

Bầu cao 12 – 13 cm, đường kính 6-7 cm, thành phần giá thể gồm 85 – 89% đất, 10 -14% phân chuồng mục và 1% supe lân. Bầu được xếp thành luống, trên làm giàn che với độ che phủ khoảng 50%.

  • Cũng có thể gieo hạt trên luống ở vườn ươm. Hạt gieo sâu 2 cm, cách nhau 20 cm, phủ một lớp đất mỏng và làm giàn che như trên.

Phân bón:

Sau khi gieo 15 ngày, hạt nảy mầm. Khi cây được 3-5 tháng tuổi, tiến hành bón thúc bằng phân vô cơ. Có thể bón theo tỷ lệ 2:2:1 (30g amoni sulfat + 40g supe lân + 10g kali clorur) hoặc 3:3:1 (45g amoni sulfat + 60g supe lân + 10g kali clorur), hoà phân với nước tưới cho 1m2. Chú ý giữ ẩm và làm cỏ thường xuyên.

Vườn ươm:

Cây đã cao 25 – 30 cm, có thể dỡ dần giàn che. Cây quế con nuôi trong vườn ươm 1 năm, được bưng đi trồng vào mùa xuân năm sau.

  • Trường hợp cây con không gieo trong bầu mà gieo ở luống, nếu không bứng được cả đất, có thể nhổ cây lên, cắt bớt rễ cọc, nhúng vào dung dịch phân bón một đêm, rồi đem trồng cũng đạt tỷ lệ sống cao (90%).

Thu hái:

Cây quế nhân giống bằng phương pháp vô tính sau 6-7 năm cho thu hoạch, nhưng trồng bằng hạt phải sau 20 năm.

Trong quá trình nuôi dưỡng, cần tỉa thưa 2 lần. Đối với cây trồng từ hạt, tỉa thưa lần thứ nhất vào tuổi 8-10, lần thứ hai vào tuổi 15.

Trung bình mỗi hecta cho 5 tấn quế vỏ và 7 tấn quế chi.

4. Bộ phận dùng

Vỏ thân, vỏ cành non được phơi hoặc sấy khô (Quế chi). Vỏ thân được phơi khô trong bóng râm (Quế nhục). Tinh dầu từ cành hoặc lá.

Bộ phận dùng

5. Tác dụng dược lý

Tinh dầu quế chứa cinnamaldehyd là thành phần chủ yếu có tác dụng diệt khuẩn in vitro đối với một số vi khuẩn ở độ pha loãng cao.

  • Tác dụng kháng khuẩn đối với các giống vi khuẩn khác nhau, theo thứ tự hoạt tính giảm dần: Salmonella typhi, tụ cầu vàng, Bacillus mycoides, Bacillus subtilis, Candida albicans, Shigella ßexneri, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn lao, Sh. dysenteriae, phế cầu khuẩn.
  • Tác dụng mạnh đối với phẩy khuẩn tả, nồng độ ức chế tối thiểu đối với các giống phẩy khuẩn tả Eltor, Inaba và Ogawa là 2/10.000.
  • Tác dụng diệt Entamoeba moshkowskii với nồng độ ức chế tối thiểu 1/2.560. Còn có tác dụng ức chế cả đối với siêu vi khuẩn.
  • Tác dụng ức chế tương đối yếu hơn đối với các giống vi khuẩn: Sh. shigae, Sh. sonnei, trực khuẩn coli, trực khuẩn mủ xanh.