Nơi thượng nguồn sông Đà: Bí ẩn sông Đà

0
42
Rate this post

Sông Đà, dòng sông hiểm trở và lớn nhất vùng Tây Bắc. Chinh phục sông Đà là ước mơ, niềm khát khao của bao nhiêu người. Không lâu nữa, khi thuỷ điện Sơn La chặn dòng, sự hùng vĩ và những bí ẩn của dòng sông vĩnh viễn chìm xuống lòng hồ…

Bí ẩn sông Đà

Sông Đà bắt nguồn từ vùng núi Nguy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta qua huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Sông Đà còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang dài trên 900 km, diện tích lưu vực 52.900km2, dòng sông tiếp nhận nguồn nước của nhiều con suối lớn: Nậm Na, Nậm Lay, Nậm Mu… để trở thành dòng sông có nguồn nước dồi dào cung cấp trên 30% nước cho sông Hồng.

Lại chảy trên vùng núi cao của miền Tây Bắc, nên sông Đà trở thành dòng sông cung cấp nguồn điện năng lớn nhất Việt Nam, tại đây đã xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, với tổng công suất 1.920 MW, cuối năm 2010 khi Nhà máy thuỷ điện Sơn La đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 2.400 MW, trở thành nhà máy thuỷ điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Sông Đà là một trong những dòng sông hùng vĩ nhất Việt Nam. Từ trên cao nhìn xuống, sông Đà cuồn cuộn chảy qua những ghềnh đá nhấp nhô, sáng loáng nằm giữa hai bờ vách núi cao dựng đứng. Tôi có cảm giác, mọi vật bên dòng sông đều chông chênh khi nhìn xuống dòng sông hun hút, gió núi thổi lộng óc như muốn xé đứt vành tai.

Nhà bà Lù Thị Luy, dân tộc Thái ở xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nằm ở nơi hợp lưu của dòng sông Đà với hai dòng suối Nậm Na và Nậm Lay. Tiếng địa phương gọi sông Đà là Nậm Ta, có nghĩa là dòng sông lũ lớn. Bà Luy cho biết, tại ngã tư của dòng sông nơi đây vào mùa lũ, nước đục ngầu, sủi bọt trắng xoá phủ kín bờ bãi nương ngô, từ bờ bên này nhìn sang khu đồi cao của thị xã Mường Lay mênh mông nước. Thuyền mảng qua đây, từ trên cao nhìn xuống bé xíu, tựa như chiếc lá mỏng manh trên dòng sông sục sôi réo ầm ầm nghe như sấm.

Trước đây, xã Lê Lợi gọi là phường Lê Lợi thuộc thị xã Lai Châu cũ. Đầu thế kỷ XV, tại đây tù trưởng châu Ninh Viễn là Ðèo Cát Hãn, hai lần câu kết với giặc Minh làm phản, định dâng đất cho nhà Minh. Mặc dù Lê Lợi đã nhiều lần cử người thân tín lên khẩu dụ, bất chấp sự khoan dung của Lê Lợi, Đèo Cát Hãn tăng cường đánh chiếm mở rộng xuống tận Mường Muổi (Sơn La) gây ra bao đau thương cho người dân vùng cao nơi đây. Sau khi đánh tan giặc Minh, Lê Lợi tự tay cầm quân ngược sông Ðà tiêu diệt tên phản tặc Đèo Cát Hãn. Để răn đe những kẻ có rắp tâm làm phản nơi biên ải, Lê Lợi cho khắc bút tích của mình trên vách núi đá trên bờ sông Đà, đồng thời khẳng định chủ quyền quốc gia…

Nhà bà Luy nằm giáp bờ sông Đà, phía dưới dinh thự của Đèo Văn Long, người dựa vào thực dân Pháp tự phong là vua của người Thái. Theo một số tài liệu, Đèo Văn Long sinh năm 1890 là con thứ của Đèo Văn Trị, cai quản mười hai xứ Thái (Sipsong Chuthai). Cuối thế kỷ XIX, Đèo Văn Trị hưởng ứng hịch Cần Vương đã lãnh đạo sắc tộc Thái và một số dân tộc khác vùng Lai Châu nổi dậy chống Pháp, đặt đại bản doanh ở Bình Lư (nay là huyện Tam Đường). Tháng 11/1886, quân Pháp đánh vào Bình Lư, nghĩa quân của Đèo Văn Trị chống cự không nổi phải rút về Mường Bo, sau rút về Sa Pa rồi về Lai Châu. Một thời gian dài nghĩa quân hoạt động chống Pháp ở địa bàn Sơn La và Lai Châu.

Sau bị dụ dỗ, Đèo Văn Trị đầu hàng Pháp, mở đường cho chúng tiến vào Mường Thanh. Với chính sách dùng người Việt trị người Việt, Đèo Văn Trị được Pháp khôi phục quyền cai trị vùng đất Sipsong Chuthai bên bờ sông Đà, cho phép cha truyền con nối, nâng Đèo Văn Trị lên địa vị Chúa Thái.

Được sự hỗ trợ của Pháp, sau khi Đèo Văn Long được lên nắm quyền cai trị vùng đất Sipsong Chuthai, hắn ra sức vơ vét của cải, buôn bán thuốc phiện, lâm thổ sản, hàng hoá, tổ chức những đoàn thuyền lớn lấy sông Đà làm tuyến giao thông chính giao thương với vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành người giàu có nhất vùng.

Dinh thự Đèo Văn Long xây dựng bên ngã tư của dòng sông, bên cạnh bờ sông Đà lởm chởm đá nhọn. Tại đây có thể quan sát được mọi động tĩnh của một vùng sông nước và khu vực đất Mường Lay, đồng thời kiểm soát được con đường lên Mường Tè và Phong Thổ. Nếu xảy ra chiến tranh, phía Mường Lay phải vượt qua sông Đà, phía Phong Thổ phải vượt qua dòng Nậm Na nơi đoạn sông chảy xiết và địa hình vô cùng hiểm trở. Việc rút lui cũng được tính đến, từ đây có thể tụt xuống sông Đà chỉ vài bước chân, sau đó bước lên thuyền là có thể vượt sang bờ bên kia hoặc ngược lên Mường Tè thoát sang biên kia biên giới.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đèo Văn Long mang vợ con chạy sang Pháp. Dinh thự của Đèo Văn Long không có người ở, lâu ngày đã bị đổ nát, trở thành phế tích. Những gì còn lại và theo người dân kể lại thì kiến trúc của khu nhà kết hợp giữa kiến trúc nhà sàn của người Thái với kiến trúc của người Pháp. Khu nhà chính được xây hai tầng bằng gạch chỉ, sàn gỗ, xung quanh ngôi nhà chính là những khu nhà nhỏ dành cho người ở, binh lính, chuồng trại gia súc… xung quanh được xây tường bao bằng gạch và đá dày trên 40cm, có nhiều lỗ châu mai, cao trên 3m. Trước khu nhà có sân rộng để múa xoè khi tổ chức tiệc tùng. Mái lợp ngói tách ra từ những phiến đá, người dân gọi là đá giấy, lúc mới tách đá mềm có thể dùng dao cắt được, nhưng khi gặp nắng đá trở nên cứng như sành.

Ngay cạnh đầu sàn nhà bà Lù Thị Luy còn lại cây ngọc Lan cổ thụ, to chừng hai người ôm. Bà Luy cho biết cây ngọc lan này do Đèo Văn Long trồng, cây già quá rồi nên bị rỗng ruột, vào mùa mưa khi nước sông Đà dâng mấp mé chân cột nhà sàn trong gốc cây thấy rất nhiều rắn, bà nhìn thấy một số con rắn có mào. Mọi người cho đó là rắn thần từ sông Đà lên trú ngụ, nên không ai dám bắt, mặc dù nhà bà dựng sát gốc cây nhưng lũ rắn không bao giờ leo lên sàn hay cắn người cả.

Những năm trước đây khi rừng chưa bị tàn phá, thượng nguồn sông Đà sau mùa mưa nước trong xanh nhìn thấu tận đáy. Tại đây có rất nhiều loại cá quí hiếm, như: Cá Lăng, cá Chiên, cá Bống hoa, cá Anh Vũ… Nhiều người dân thị xã Mường Lay vẫn kể: Vào cuối thế kỷ hai mươi, có một người đàn ông tên là Vớ có tài săn bắt cá Chiên và cá Lăng không phải bằng lưới mà bằng những lưỡi câu sắc nhọn làm bằng nan hoa xe đạp, được ông giăng nhiều lớp dưới đáy sông. Nhiều lần ông bắt được những con cá Chiên nặng tới 50kg, cá Lăng nặng 15kg. Bây giờ cá trên sông Đà bị nhiều phương tiện đánh bắt, nên lượng cá trên sông suy giảm, những con cá to ngoài 20 kg không còn thấy. Hiện giờ người dân chỉ bắt được những con cá Chiên nặng từ 3-5 kg, tuy nhiên cũng rất hiếm.

Sông Đà có một nơi rất nhiều tôm, chúng sống trong những hang hốc phía hạ lưu cách nơi gặp nhau của ba dòng sông chừng hai cây số. Người dân gọi nơi ấy là Hang Tôm, trước đây vào những đêm tối trời, người ta bắt tôm bằng lưới đặt vào các cửa hang rồi dùng gậy khua cho tôm từ trong hang bơi ra, có người một đêm bắt dược cả chục cân tôm. Cầu Hang Tôm xây dựng tại khúc sông này, đó là cây cầu treo bằng sắt thép khổng lồ, được treo dưới những bó cáp đại to bằng gốc chuối tây.

Khi tỉnh lỵ Lai Châu còn đóng ở Mường Lay, cầu Hang Tôm là nơi trẫm mình của nhiều đôi trai gái, họ mang những bí ẩn cuộc đời họ nhờ sông Đà mang xuống thuỷ cung. Chỉ ít tháng nữa khi đập thuỷ điện Sơn La hàn khẩu, cầu treo Hang tôm, dinh thự Đèo Văn Long vĩnh viễn chìm xuống lòng hồ, cách đó không xa về phía thượng nguồn cây cầu Hang Tôm mới đang được gấp rút xây dựng. Tại đây sông Đà sẽ thành hồ, những bí ẩn của dòng sông nhiều thế hệ sau sẽ tiếp tục khám phá. (Còn tiếp)