1. Trình tự thủ tục tiến hành ly hôn thuận tình:
Ly hôn đồng thuận là cả hai bai tự nguyện đồng ý ly hôn, cùng ký vào đơn xin ly hôn. Đơn xin ly hôn phải có xác nhận của UBND cấp phường về nguyên nhân ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng. Trước khi xác nhận, tổ hòa giải ở cấp phường sẽ tiến hành hòa giải 3 lần.
Theo quy định của pháp luật, khi giải quyết ly hôn đồng thuận, tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải đoàn tụ. Nếu hòa giải đoàn tụ không thành, tòa án lập biên bản về việc đồng thuận ly hôn và hòa giải không thành.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không thay đổi ý kiến và Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn mà không phải mở phiên tòa khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Hai bên đã tự thoả thuận được với nhau về việc phân chia hoặc không chia tài sản;
– Hai bên đã tự thoả thuận được với nhau về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
– Sự thỏa thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Quyết định công nhận đồng thuận ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo,Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Trong trường hợp hoà giải tại tòa án thiếu một trong các điều kiện nêu trên thì tòa án lập biên bản về việc hòa giải đoàn tụ không thành. Trong đó nêu rõ những vấn đề hai bên không thoả thuận được hoặc có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, đồng thời tiến hành mở phiên toà xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
Hồ sơ, thủ tục ly hôn đồng thuận được quy định như sau:
– Hồ sơ ly hôn, gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (Theo mẫu của từng Tòa)
– Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân quận, huyện nơi thường trú của một trong hai bên.
– Thời gian giải quyết:
+ Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án phải thụ lý vụ án, thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp án phí, người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí để Tòa thụ lý vụ án.
+ Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, nếu Tòa án hòa giải không thành, xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Toà án công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định.
+ Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành, nếu hai bên đương sự không thay đổi nội dung yêu cầu Công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
2. Nộp đơn thuận tình ly hôn ở nơi đăng ký tạm trú được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi kết hôn từ tháng 5 năm 2012 cuộc sống vợ chồng tôi có nhiều mâu thuẫn, áp lực và mệt mỏi, để tốt cho cả hai nên vợ chồng tôi quyết định ly hôn. Tôi đăng ký kết hôn ở Huyện Giồng Riềng – Kiên Giang là nơi hộ khẩu thường trú của tôi, Hộ khẩu thường trú của chồng tôi ở Huyện Vũng Liêm – Vĩnh Long. Hiện giờ 2 vợ chồng tôi sinh sống và làm việc ở TP Cần Thơ.
Vợ chồng Tôi có đăng ký tạm trú tại huyện Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ hơn hai năm . Xin luật sư tư vấn cho tôi, tôi muốn nộp đơn xin ly hôn thì tôi có thể nộp ở đâu? Tôi có thể nộp đơn giải quyết ly hôn ở quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ nơi vợ chồng tôi tạm trú được không? Về con, chúng tôi có một con chung sinh năm 2012, cháu được hơn 3 tuổi.
Vợ chồng tôi hiện đang ở nhà thuê, không có tài sản chung. Và chồng tôi cũng không tranh chấp về quyền nuôi con, nếu vợ chồng tôi nộp đơn ly hôn thì được toà giải quyết việc ly hôn trong vòng bao lâu? Rất mong luật sư tư vấn cho trường hợp của tôi. Cảm ơn và mong sớm nhận được hồi đáp từ luật sư.
Luật sư tư vấn:
Ly hôn là phương án lựa chọn cuối cùng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu các yếu tố trên chưa đến mức nghiêm trọng thì bạn nên cố gắng dung hòa cuộc sống và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định của mình. Theo như trình bày của bạn thì hai vợ chồng bạn hoàn toàn đồng tình với việc ly hôn, cùng ký vào đơn xin ly hôn nên việc ly hôn sẽ được giải quyết theo thủ tục thuận tình ly hôn.
Căn cứ theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.
Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định thuận tình ly hôn: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Như vậy, nếu vợ chồng chị thỏa thuận được với nhau về vấn đề ly hôn, vấn đề nuôi con, không có tài sản chung thì vợ chồng chị nên làm đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
– Hồ sơ ly hôn, gồm:
+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo mẫu;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
* Nơi nộp hồ sơ: Căn cứ điểm h) Khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;”
Điều 40 Bộ luật dân sự 2015 quy định nơi cư trú như sau:
“1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.
3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.“
Như chị nói anh chị đang cư trú tại huyện Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ do đó, thẩm quyền giải quyết ly hôn thuận tình là Tòa án nhân dân huyện Bình Thủy.
* Thời gian giải quyết theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
+ Căn cứ Điều 363 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án phải thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp án phí, người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí để Tòa thụ lý vụ án.
+ Căn cứ khoản 1 Điều 366 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, quy định thời hạn chuẩn bị xét xử như sau:
“1. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.“
Như vậy, thời gian giải quyết thuận tình ly hôn là từ 01 tháng.
3. Quyền nuôi con khi hai vợ chồng thuận tình ly hôn:
Tóm tắt câu hỏi:
Chào quý công ty cho em hỏi thủ tục thuận tình ly hôn như thế nào?. Con của vợ chồng em được 12 tháng tuổi vậy em là chồng thì em có thể giành quyền nuôi con hay không em cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
+ Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, con bạn mới 12 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
4. Con còn nhỏ, hai vợ chồng ly hôn thuận tình được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào quý luật sư! tôi có một số thắc mắc trước khi tiến hành nộp đơn ly hôn mong quý luật sư giải đáp dùm! Hiện tại hai vợ chồng tôi đa ký giấy thuận tình ly hôn vì con tôi mới được 7 tháng tuổi thì toà án có chấp nhận cho chúng tôi ly hôn không? Và sau khi ly hôn thì tôi được quyền nuôi con hay chồng tôi được nuôi trong khi đó tôi vì con nhỏ nên chưa đi làm và không có thu nhập mà chồng tôi thì thu nhập tháng dưới 4 triệu đồng; Và thủ tục giấy tờ ,đơn xin ly hôn của chúng tôi sau khi xin dấu xác nhận của UBNN xã thì chúng tôi được quyền lấy ngay để gửi lên toàn án nhân dân cấp huyện không hay đợi tổ hoà giải của xã đả? Tôi xin cảm ơn quý luật sư.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về vấn đề quyền nuôi con sau khi ly hôn.
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Căn cứ theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo quy định trên khi con bạn mới được 7 tháng thì Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp thuận tình ly hôn hoặc vợ đơn phương ly hôn. Trường hợp chồng bạn đơn phương ly hôn sẽ không được Tòa án chấp nhận.
Căn cứ theo Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thuận tình ly hôn. Theo đó thuận tình ly hôn là hai bên đã thỏa thuận được về cả ba vấn đề: ly hôn, chia tài sản và việc nuôi con. Nếu chưa thỏa thuận được về vấn đề nuôi con thì không được coi là thuận tình ly hôn.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn. Theo quy định trên thì trường hợp hai bạn thuận tình ly hôn thì quyền nuôi con xác định theo thỏa thuận của hai bên. Trường hợp bạn đơn phương ly hôn thì Tòa án căn cứ khoản 3 bên trên để giải quyết, con 7 tháng sẽ do mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Vì bạn chưa đi làm và không có thu nhập nên để được Tòa án giao quyền nuôi con, bạn cần chứng minh các điều kiện khác của mình đảm bảo thực hiện tốt việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Thứ hai, về việc hòa giải cơ sở:
Căn cứ theo Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc khuyến khích hòa giải ở cơ sở. Trường hợp hai bạn thuận tình ly hôn thì hồ sơ thuận tình ly hôn cần có đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường về nguyên nhân ly hôn, mẫu thuẫn vợ chồng. Trước khi xác nhận, tổ hòa giải xã, phường sẽ tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành, Tổ hòa giải sẽ xác nhận vào đơn xin ly hôn.
Sau khi có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường vào giấy yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì bạn nộp hồ sơ thuận tình ly hôn yêu cầu Tòa án giải quyết.