"Hòn ngọc biển Đen" Odessa – "điểm nóng" mới chiến sự Nga-Ukraine

0
50
Rate this post

Nga muốn kiểm soát Odessa?

Vài ngày sau khi tuyên bố hoàn thành giai đoạn một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã quyết định rút lực lượng gần Kiev và phía Bắc Ukraine, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và củng cố mặt trận ở khu vực duyên hải phía Nam.

Hôm 3/4, Ukraine thông báo rằng các lực lượng Nga đã không kích thành phố Odessa ở miền Nam, gây ra những vụ nổ lớn gần nhà máy lọc dầu và tạo ra bụi đen cao vút. Quân đội Ukraine cho rằng khu vực này có thể đã bị tên lửa tấn công, đánh dấu sự gia tăng cuộc không kích lớn nhất kể từ tháng 2/2022.

Nga hiện đã kiểm soát thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Thành phố Mariupol ở Đông Nam đang bị bao vây, trong khi thành phố Mykolaiv cách Odessa 130 km đã bị lực lượng Nga áp sát trong nhiều ngày.

Đợt không kích mới nhất chỉ ra rằng tình trạng chiến sự tại Odessa có thể leo thang trong thời gian tới. Dự báo rằng lực lượng Nga có thể tấn công thành phố này từ hai hướng là từ biển Đen và thông qua các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Moscow.

Odessa nằm cách biên giới Nga khoảng 500 km và cách Crimea 300 km. Thành phố này là nơi sinh sống của khoảng 300.000 người nói tiếng Nga, chiếm 29% dân số thành phố và tương đương với một nửa số người nói tiếng Ukraine.

Ngoài các thành phố Donetsk và Lugansk, Odessa và Mariupol từng chứng kiến phong trào ly khai năm 2014. Tuy nhiên, phong trào ở Odessa và Mariupol đã bị dẹp tắt sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng ủng hộ Nga và người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Ukraine.

Trong suốt 8 năm qua, Nga đã nhiều lần cáo buộc các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực hữu ở Ukraine có nhiều hành vi phân biệt đối xử và thậm chí bạo lực với người nói tiếng Nga. Bảo vệ người nói tiếng Nga được Moscow mô tả là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của họ.

Trong bài phát biểu công nhận “độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR)” tự xưng vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết tìm những kẻ đứng sau bạo lực nhằm vào người nói tiếng Nga ở Odessa và buộc họ chịu trách nhiệm.

Theo Britanica, Odessa có vị trí chiến lược quan trọng. Thành phố này nằm trên những rẻo đất cao nhìn ra biển Đen, cách biên giới Romania và Moldova không xa, và sở hữu một vịnh nước ấm rất phù hợp cho tàu bè đi lại. Odessa cũng là cảng biển lớn nhất của Ukraine.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Hải quân Ukraine đã chuyển trụ sở về Odessa, khi tàu bè của Kiev buộc phải rời cảng Sevastopol sau khi Nga tiếp quản khu vực này.

Cần nhớ rằng, quân đội Nga cách đây ít ngày xác nhận rằng Hải quân Ukraine đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Điều này chỉ có thể duy trì nếu Odessa không nằm ngoài sự kiểm soát của lực lượng Nga, trong khi thực tế Moscow đã giành ưu thế hoàn toàn trên biển và hoạt động của tàu quân sự Ukraine gần như không được ghi nhận trong hơn một tháng xung đột.

Việc kiểm soát Odessa không chỉ cho phép Nga thiết lập hành lang dọc theo đường bờ biển của Ukraine, cô lập hoàn toàn khả năng tiếp cận biển của Kiev, mà còn thiết lập một hành lang trên bộ từ lục địa Nga, qua Crimea, tới Transdniestria – một vùng ly khai nói tiếng Nga thuộc Moldova, nơi có quân đội Nga đồn trú.

Alexey Muraviev, phó giáo sư chuyên về chiến lược và an ninh quốc gia tại Đại học Curtin, cho biết: “Đối với Nga, việc kiểm soát hoàn toàn bờ biển Đen và biển Azov của Ukraine còn quan trọng hơn việc chiếm giữ vùng Kharkov và khu vực phía Tây Ukraine cộng lại”.

Ukraine không dễ từ bỏ “Hòn ngọc biển Đen”

Odessa đã trải qua nhiều cuộc xung đột trong lịch sử, và từ cuối thế kỷ 18, Đế chế Nga đã trở thành người kiểm soát vùng đất này. Thành phố Odessa được chính thức thành lập từ năm 1794 theo lệnh của Nữ hoàng Nga Ekaterina Đại đế.

Trong thế kỷ 19, Odessa phát triển rất nhanh. Ngoài người Nga và Ukraine, thành phố này còn là nơi sinh sống của người Armenia, Bulgaria, Hy Lạp, Do Thái và các cộng đồng khác. Họ đã cùng nhau xây dựng thành phố trở thành trung tâm văn hoá và nghệ thuật, với những toà nhà mang dấu ấn kiến trúc của Italy và Pháp.

Năm 1866, tuyến đường sắt đầu tiên được xây dựng ở Odessa. Ngoài việc có một cảng biển lớn, Odessa còn đóng vai trò là cảng thương mại quan trọng thứ hai của Đế chế Nga, sau St. Petersburg. Đây là nơi xuất khẩu nguồn ngũ cốc dồi dào từ Đế chế Nga đi các nước.

Vào đầu thế kỷ 20, năm 1905, Odessa là một trong những địa điểm nổi bật của cuộc Cách mạng Nga và từng chứng kiến cuộc nổi dậy trên tàu Potemkin. Mặc dù cuộc nổi dậy kết thúc bằng bi kịch, nó đã làm dấy lên “cuộc tổng diễn tập” cho Cách mạng Tháng Mười Nga sau này.

Sau Thế chiến II, Odessa đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc tấn công của Đức và Romania, nhưng nhanh chóng được khôi phục trong thời kỳ Liên Xô. Trong vài chục năm tiếp theo, Odessa đã là nơi phát triển nhiều nhà máy hoá chất, phân bón, lọc dầu và chế biến thực phẩm. Ngày nay, Odessa vẫn là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất Ukraine.

Có thể nói, Nga muốn Odessa, nhưng Ukraine cũng rất cần thành phố này. Khoảng 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ukraine diễn ra qua đường biển, và các cảng ở Odessa xử lý khoảng 65% tổng số hàng hóa này.

Chuyên gia Alexei Muraviev khẳng định rằng với Ukraine, Odessa đại diện cho tuyến huyết mạch kết nối với thế giới bên ngoài. Ông nói: “Nếu Nga chiếm được Odessa, họ sẽ cắt đứt hoạt động thương mại và viện trợ quân sự tới Ukraine”.

Có nhiều cuộc đụng độ nhỏ ở Odessa đã được ghi nhận từ tháng 2. Hồi giữa tháng 3, NavalNews đưa tin rằng các tàu đổ bộ của Nga tiếp cận bờ biển Odessa, với sự hỗ trợ của các tàu rà quét thủy lôi. Tuy nhiên, chưa có cuộc tấn công đáng chú ý nào được ghi nhận.

Trong thành phố, nhiều cư dân Odessa đã xây dựng chướng ngại vật và đặt chông sắt với hy vọng chúng có thể ngăn chặn cuộc xâm nhập của thiết giáp. Các phương tiện truyền thông phương Tây đã truyền tải nhiều hình ảnh về việc cư dân Odessa dùng bao cát bọc quanh các bức tượng và các công trình mang tính biểu tượng.

Từ phía chính quyền Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thay thế thống đốc dân sự tỉnh Odessa, ông Serhiy Hrynevetsky, bằng Đại tá Maksym Marchenko – cựu thủ lĩnh của lực lượng quân sự cực hữu có tên Tiểu đoàn Aidar.

Quân đội Ukraine cũng đã thành lập các vị trí phòng thủ trên khắp Odessa, áp dụng giới nghiêm và thiết lập các chốt chặn tại tất cả các cửa vào thành phố. Các cảng cũng đã bị đóng cửa với giao thông thương mại, trong khi việc sơ tán dân thường đang được triển khai.

Chuyên gia Muraviev nói: “Cuộc chiến tranh giành Odessa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tương lai của cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay”.


Được chỉnh sửa bởi Dnulib.