Nguồn gốc của Thảm sát Holocaust

0
35
Rate this post
Video holocaust là gì

ausch

Tác giả: Đặng Hoàng Xa

Không sai khi nói rằng Holocaust là trung tâm của tâm lý Israel. Không giống như hầu hết các sự kiện lịch sử khác mà ảnh hưởng dần dần mờ nhạt, ảnh hưởng của thảm sát Holocaust trong xã hội Israel ngược lại đã thực sự tăng lên theo thời gian. Quá trình này rất phức tạp và khó khăn để mô tả trong một vài trang giấy. Tuy nhiên, hiểu biết động lực của nó là điều cần thiết trong bất kỳ khảo sát nào về văn hóa Israel.

Holocaust là thảm họa lớn nhất của dân tộc Do Thái xẩy ra vào cuối những năm 1930 trong Thế Chiến II, khi sáu triệu người Do Thái trên khắp châu Âu bị đưa vào các trại tập trung của Phát xít Đức và bị giết hại bằng hơi ngạt. Năm 1933, Adolf Hitler trở thành quốc trưởng Đức và sau đó quốc gia này rất nhanh chóng mở rộng chương trình bài Do Thái. Hitler với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Đức đã khơi dậy được lòng tự hào và đồng thuận của người Đức khi khẳng định rằng nguồn gốc của người Đức – người Aryan – là chủng tộc siêu đẳng và những chủng tộc khác, đặc biệt là người Do Thái, là hạ đẳng.

Triết lý của Hitler là chủng tộc nào thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ bị đào thải. Hậu quả của triết lý bệnh hoạn này là sáu triệu người Do Thái trên khắp châu Âu đã bị cướp đi mạng sống chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi từ 1939-1945. Tại thời điểm này dân tộc Do Thái tưởng như đã bị xóa xổ. Vậy câu chuyện này thực hư như thế nào?

Những người ít quan tâm đến ngôn ngữ học có thể sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng hầu hết các ngôn ngữ Âu châu ngày nay lại có chung nguồn gốc với tiếng Hindi (tiếng Ấn Độ). Nguồn gốc ấy là ngôn ngữ Aryan, hoặc ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language) – ngôn ngữ của những cư dân sinh sống từ xa xưa trên vùng cao nguyên Iran ở Nam Á, giữa vùng biển Caspian và vùng núi Hindu Kush ngày nay. Những cư dân này tự gọi mình là người Aryan. Điểm đặc biệt trong lịch sử của người Aryan là gì?

Vào khoảng 1.500 năm trước CN, người Aryan từ vùng cao nguyên Iran đã xâm nhập vùng Tây Bắc Ấn Độ. Họ mang theo một nhánh ngôn ngữ của họ đến đó, và trong suốt 1.000 năm đầu tiên tại Ấn Độ, họ đã hoàn thiện ngôn ngữ này và đặt ra chữ viết cho nó. Đó chính là ngôn ngữ Sanscrit mà ngày nay ta gọi là tiếng Ấn Độ cổ (còn gọi là tiếng Phạn hay Bắc Phạn để phân biệt với tiếng Pali là Nam Phạn và là một ngôn ngữ tế lễ của các tôn giáo như Ấn Độ giáo, Phật giáo Bắc Tông và Jaina giáo). Tiếng Hindi, ngôn ngữ chính của Ấn Độ ngày nay, bắt nguồn từ ngôn ngữ Sanscrit. Chính nhờ các văn bản cổ viết bằng tiếng Sanscrit được lưu giữ trong các di tích tôn giáo và văn hoá của người Hindu[1] mà ngày nay người ta mới biết được lịch sử của người Aryan. Những văn bản này mô tả người Aryan có nước da sáng, máu mê chiến tranh, và bản thân chữ Aryan trong tiếng Sanscrit có nghĩa là “người quí phái” (nobleman) hoặc “chúa đất” (lords of land).

Thực tế thì khoảng nửa đầu của thiên niên kỷ thứ nhất TCN, các văn bản cổ và di tích khảo cổ cho thấy người Aryan đã có mặt trên cao nguyên Iran và tiểu lục địa Ấn Độ. Thuật ngữ Iran lấy từ thuật ngữ “Ariana” (tiếng Hy Lạp cổ đã Latin hóa) có nghĩa là xứ sở của người Aryan. Nhóm ngôn ngữ Aryan có hai nhánh chủ yếu: ngôn ngữ cổ Iran và ngôn ngữ Sanskrit. Trong tiếng Ba-Tư thời trung cổ, chữ Ariana được gọi là Eran, và trong tiếng Ba-Tư hiện đại, được gọi là Iran.

Một nhánh khác của người Aryan di cư sang châu Âu và truyền bá ngôn ngữ của họ ở đó. Do vậy mà ngôn ngữ của phần lớn người châu Âu ngày nay rất giống nhau – đó là thứ ngôn ngữ có chung nguồn gốc Aryan (trừ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, xứ Basques, Phần Lan, Latvia, Estonia, và một vài nhóm nhỏ ở Nga).

Ngôn ngữ Aryan vì thế được gọi là ngôn ngữ Ấn-Âu, và người Aryan được gọi là người Ấn-Âu-tiền sử (proto-Indo-European). Người Ấn ở miền bắc Ấn Độ cũng được gọi là người Ấn-Âu. Họ cao lớn, nước da sáng màu, trong khi người Ấn Độ ở miền nam có nguồn gốc Dravidian, vóc dáng nhỏ bé và nước da tối mầu.

Việc khám phá ra ngôn ngữ Aryan vào những năm 1790 được coi là một trong những khám phá vĩ đại nhất của ngôn ngữ học. Người Âu châu thời đó đã sửng sốt khi biết rằng không chỉ các dân tộc ở Âu châu, mà ngay cả một xứ “xa tít mù tắp” vào thời đó như Bắc Ấn, cũng có chung một nguồn gốc ngôn ngữ với họ, thậm chí chung một tổ tiên với họ. Từ đó, các nhà khảo cổ học đã lao vào nghiên cứu mối liên hệ giữa người châu Âu tiền sử với người Aryan cổ đại.

Như thế, theo dòng lịch sử, người Aryan một phần ở lại Iran, một phần xâm nhập Bắc Ấn, và một phần đã di cư sang Âu châu, lai tạp với cư dân bản địa Âu châu cổ đại để dần dà trở thành người châu Âu như ngày nay.

Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khái niệm “người Aryan” dần dần đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của châu Âu biến tướng thành khái niệm “chủng tộc Aryan”, từ đó dẫn tới những hậu quả chính trị xã hội vô cùng tệ hại cho đến ngày nay, và đỉnh cao là thảm họa Holocaust. Câu chuyện là như thế này.

Như độc giả đã thấy, các văn bản lịch sử đã cố gắng mô tả người Aryan là những người có những “ưu điểm vượt trội”: đó những “người quí phái” hoặc “chúa đất”. Trong thực tế, người Aryan đã chinh phục một dải đất vô cùng rộng lớn từ Á sang Âu. “Thành tích vượt trội” này của người Aryan đã làm nức lòng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và, trong con mắt của họ, “người Aryan” đồng nghĩa với “chủng tộc Aryan” (Aryan race) – một “chủng tộc ưu tú” so với bất kỳ chủng tộc nào khác. Ngay từ thời đó, tư tưởng này đã bị phê phán. Nói cách khác, theo những tiêu chuẩn của chủng tộc học, không hề có cái gọi là “chủng tộc Aryan”, mà chỉ có người Aryan mà thôi. Nhưng bất chấp mọi giải thích, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiếp tục truyền bá khái niệm “chủng tộc Aryan” như một sự thật lịch sử và khoa học.

Đến những năm 1920, Chủ nghĩa Quốc Xã Đức đã nâng lý thuyết “chủng tộc Aryan” lên đến tầm mức cực kỳ bệnh hoạn: “Chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng có quyền thống trị thế giới”. Lý thuyết này dựa trên nền tảng của một học thuyết được coi là “khoa học” vào thời đó: Học thuyết Darwin về Xã hội (Social-Darwinist Ideology) – một học thuyết chủ trương áp dụng máy móc nguyên lý đấu tranh sinh tồn trong thế giới tự nhiên của Darwin vào xã hội loài người. Học thuyết Darwin về Xã hội cho rằng, cũng như thế giới tự nhiên, xã hội loài người tiến hoá thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, trong đó chủng tộc nào thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn sẽ là chủng tộc có quyền tồn tại; chủng tộc nào dốt nát, ốm yếu, kém thích nghi với môi trường sẽ bị đào thải. Lý thuyết “chủng tộc thượng đẳng” của chủ nghĩa Quốc Xã là một quái thai trong lịch sử loài người, nhưng quái thai ấy không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Nó là con đẻ của Học thuyết Darwin về Xã hội cộng với tư tưởng phục thù điên rồ trong xã hội Đức sau Thế Chiến I.

Chúng ta nên biết rằng, bước vào thế kỷ 19, trong khi các nước như Anh, Pháp đã trở thành những đế quốc lớn, hùng mạnh, thì Đức lúc đó vẫn bao gồm các tiểu vương quốc rời rạc và mãi đến năm 1871 mới thống nhất thành một quốc gia. Sự tụt hậu này tạo cho giới trẻ Đức thời đó một cảm giác tủi hổ, bất mãn. Từ đó nước Đức có xu thế muốn vươn lên, chứng tỏ cho thế giới thấy mình không những không thua kém ai, mà còn vượt trội so với kẻ khác. Xu thế ấy là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc Thế Chiến I. Nhưng thất bại thảm hại của Đức trong cuộc chiến này lại càng đẩy thanh niên Đức lún sâu vào tâm trạng tủi hổ và bất mãn. Đễ chống lại mặc cảm này, những nhà lý luận có đầu óc phân biệt chủng tộc của nước Đức đã cố gắng xới lên những học thuyết đề cao chủng tộc Đức, trong khi các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc lại tuyên truyền cho chủ nghĩa phục thù, hứa hẹn sẽ lấy lại sức mạnh cho nước Đức, đưa nước Đức lên vị trí lãnh đạo thế giới.

Trong bối cảnh ấy, Lịch sử người Aryan cùng với Học thuyết Darwin về Xã hội đã trở thành “những chất liệu quý giá” để những nhà lý thuyết và chính trị theo chủ nghĩa chủng tộc ở Đức chế biến thành một chủ thuyết chủng tộc trong đó khẳng định rằng người Aryan chính là thuỷ tổ của người Đức, người Đức chính là hậu duệ thuần chủng nhất và tinh tuý nhất của người Aryan, và do đó xứng đáng để lãnh đạo thế giới. Bối cảnh ấy thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phục thù ở Đức phát triển mạnh mẽ, tạo nên một cơ sở xã hội để đảng Quốc Xã thắng thế vào cuối những năm 1920 đầu 1930, dẫn tới sự ra đời của Đế chế Thứ III (The Third Reich) với việc Adolf Hitler lên cầm quyền ở Đức năm 1933, thực hành một chính sách chủng tộc thảm khốc chưa từng có trong lịch sử.

Một câu hỏi rất phổ biến và gây nhiều tranh cãi là tại sao Hitler và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Đức Quốc xã lại xếp “chủng tộc Do Thái” (mà không phải là dân tộc khác) vào loại hạ đẳng và là đối tượng cần phải bị xóa bỏ. Lời giải thích cho câu hỏi này là như sau.

Chúng ta đều biết rằng sau 2.000 năm lưu vong và phấn đấu giữ gìn bản sắc dân tộc của mình, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, các cộng đồng Do Thái Diaspora ở châu Âu đã có những phát triển rất ngoạn mục. Vào thời gian này, người Do Thái có thể nói là hầu như đã nắm huyết mạch tài chính và ngân hàng của châu Âu và điều này đã gây nên sự khó chịu của rất nhiều chính phủ ở đây. Với trí tuệ và sự năng động, thậm chí là “ranh mãnh”, người Do Thái đã đạt những thành tựu lớn trong mọi lĩnh vực, nhưng cũng vì thế mang đến sự ghen ghét và bị xua đuổi tại một số các quốc gia châu Âu. Liệu Hitler và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Đức Quốc xã, trong khi tự ngộ nhận mình là “chủng tộc siêu đẳng Aryan” có thể chấp nhận sự tồn tại song song một dân tộc “được Chúa chọn” đầy trí tuệ như dân tộc Do Thái hay không. Câu trả lời là “không”, tuyệt đối “không”. Nếu nước Đức Quốc xã là một “chủng tộc siêu đẳng” nhất, thì sẽ không thể tồn tại một chủng tộc siêu đẳng thứ hai nào khác. “Chủng tộc siêu đẳng” của nước Đức phải là duy nhất. Và kết quả là, như mọi người đã biết, một chiến dịch hủy diệt toàn diện người Do Thái tại các vùng đất Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến II đã được khởi động.

Thêm vào đó, sự bại trận của Đức sau Thế Chiến I, cũng như những thảm họa lạm phát về kinh tế Đức, đều được Hitler đổ lỗi cho người Do Thái. Hitler đặt điều rằng, tất cả mọi vấn đề trên thế giới đều có nguồn gốc từ Do Thái và do người Do Thái gây nên. Phải giải quyết nạn Do Thái Diaspora ở châu Âu như thế nào? Nước Đức Quốc xã của Hitler đã tìm ra một giải pháp rẻ và nhanh: tập trung người Do Thái ở khắp châu Âu vào các trại tập trung và giết bằng hơi ngạt Zyklon B. Cuộc đại thảm sát này, gọi là Holocaust (tiếng Hy Lạp: holokáutoma: holo – “hoàn toàn” – và kausis – “thiêu, đốt”), đã lấy đi sáu triệu mạng người dân Do Thái tức là một phần ba dân số Do Thái lúc đó. Một điều đáng buồn là vào lúc mà người Do Thái cần cứu giúp nhất thì ở nhiều nơi trên thế giới các cánh cửa đã đóng lại với họ. Luật di dân của Mỹ đã ngăn cản họ vào nước Mỹ. Còn đất tổ Palestine, từ năm 1938, đã ban bố “sách trắng” đóng cửa với người Do Thái.

Cũng cần nói thêm rằng bản thân Hitler cũng có “vấn đề rất cá nhân” với người Do Thái. Mặc dù lúc trẻ Hitler cũng từng hàm ơn sự giúp đỡ của một vài người bạn Do Thái, nhưng trong sự nghiệp chính trị về sau, ông ta quay ngoắt tuyên bố là ghét tất cả mọi thứ liên quan đến người Do Thái: đó là một “chủng tộc khác” với một “mùi hôi khác”. Trong cuốn sách sặc mùi phát xít Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi), Hitler khẳng định rằng mình bắt đầu trở thành người bài Do Thái kịch liệt ngay từ lúc ở Vienna (thủ đô Áo) khi phát hiện ra rằng người Do Thái là “một nhà đạo diễn toan tính, trơ tráo, và có trái tim đá” gây ra tệ nạn mãi dâm; rằng thế giới âm nhạc và hội họa ở Vienna là do người Do Thái kiểm soát; rằng báo chí của những người theo chủ nghĩa dân chủ xã hội phần lớn là do người Do Thái quản lý… Sự căm ghét bệnh hoạn của Hitler với người Do Thái cứ âm ỉ như thế cho đến khi Hitler lên nắm quyền quốc trưởng của nước Đức và bùng nổ cùng với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tư tưởng phục thù của Đức Quốc xã.

Trong một thời gian dài sau thảm sát Holocaust, nền văn hóa sáng tạo của Do Thái, ở một góc tối nào đó, đã mang một màu xám ảm đạm, kéo dài cho đến ngày nay. Những ai đã xem bộ phim Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler) nổi tiếng của đạo diễn Steven Spielberg được giải Oscars năm 2002, nghe nhạc chủ đề của phim, đều sẽ thấy được một nỗi đau day dứt, âm ỉ không thôi trong tâm khảm mỗi người dân Do Thái. Nỗi đau ấy phải chăng là một lời nguyền đè nặng lên số phận của cả dân tộc Do Thái từ đó và sẽ kéo dài cho đến cả mai sau?

Ở một khía cạnh nào đó, sức nặng của ký ức cay đắng này ngày càng trở nên u uất với thời gian. Rõ ràng vấn đề này sẽ vẫn là một phần không nhỏ của tâm lý Israel và biểu hiện nghệ thuật của nó trong nhiều năm tới.

Bài viết được trích từ cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Xem thêm:

Lịch sử biểu tượng ‘chữ thập ngoặc’ của Đức Quốc Xã

——————-

[1] Hindu đề cập đến bất cứ ai tự coi mình có văn hóa, sắc tộc hoặc tôn giáo gắn liền với các khía cạnh của Ấn Độ giáo (Hinduism).