Trụ sở chính (Ngân hàng máu – Ngân hàng tế bào gốc):

0
40
Rate this post

Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho là gì?

I. Định nghĩa

  • Bạch cầu mãn dòng lympho là một trạng thái tế bào gốc phát triển thành các tế bào lympho bất thường, được gọi là tế bào leukemia. Những tế bào lympho này không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Khi số lượng tế bào lympho bất thường tăng trong máu và tủy xương, tế bào bạch cầu, hồng cầu, và tiểu cầu bình thường sẽ giảm, gây ra các vấn đề như dễ nhiễm trùng, thiếu máu, và chảy máu.

  • Bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi, chủ yếu là nam giới và người da trắng.

  • Nguyên nhân của bệnh chưa được rõ.

II. Dấu hiệu nhận biết

Có thể có triệu chứng hoặc không. Dưới đây là một số dấu hiệu có thể gặp:

  • Các hạch ở cổ, nách, bụng hoặc bẹn to, không đau
  • Mệt mỏi
  • Đau ở hạ sườn
  • Sốt và nhiễm trùng
  • Mất cân nặng mà không rõ nguyên nhân
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm

III. Khám lâm sàng

  • Khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu về thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng, hạch to, gan to, và lách to.

IV. Xét nghiệm cần làm

  1. Xét nghiệm thường quy:

    • Huyết đồ, Đông máu toàn bộ (PT, aPTT, Fibrinogen), Sinh hóa (chức năng gan, chức năng thận), xét nghiệm siêu vi (HBV, HCV, HIV), Xquang phổi, ECG, siêu âm tim, siêu âm bụng, tổng phân tích nước tiểu.
  2. Xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh:

    • Tủy đồ và sinh thiết tủy: sử dụng kim lớn để chọc hút dịch tủy xương và lấy mẫu nhỏ từ xương chậu (hoặc xương ức) để xem tình trạng các tế bào tạo máu dưới kính hiển vi.
    • Dấu ấn miễn dịch tế bào
    • Gamma globulin
    • Điện di protein
    • Coombs’ test
    • CT scan ngực, bụng và các cơ quan tổn thương
  3. Xét nghiệm để tiên lượng và điều trị đặc hiệu theo phác đồ:

    • LDH, β2 microglobulin: tăng thì thuộc nhóm tiên lượng xấu.
    • FISH: có 11q- hoặc 17p- thì thuộc nhóm tiên lượng xấu, có 13q- thì thuộc nhóm tiên lượng chuẩn.
    • Đột biến gen IgVH: bệnh nhân có đột biến gen IgVH thì tiên lượng tốt hơn.

V. Điều trị

Lựa chọn phác đồ điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tuổi và tổng trạng của bệnh nhân, tình trạng nhiễm sắc thể bất thường, đáp ứng với điều trị ban đầu, và tình trạng tái phát bệnh.

  1. Bệnh ở giai đoạn sớm: không cần điều trị.

  2. Bệnh ở giai đoạn tiến triển:

    • Hóa trị liệu: sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh mà sử dụng thuốc đơn hoặc kết hợp.
    • Liệu pháp điều trị trúng đích: thuốc điều trị trúng đích có tác dụng riêng lên các vị trí dễ tổn thương của tế bào ung thư. Các thuốc điều trị trúng đích bao gồm rituximab và alemtuzumab.
    • Ghép tế bào gốc tạo máu: sử dụng hóa trị mạnh để tiêu diệt tế bào gốc trong tủy xương của bệnh nhân. Sau đó, truyền tế bào gốc từ người khỏe mạnh vào để tạo ra các tế bào máu bình thường.

ThS. BS Nguyễn Hạnh Thư

Image Source