Đau đầu MIGRAINE – Loại "ĐAU ĐẦU" nguyên phát

0
55
Rate this post

Đau đầu Migraine là một loại đau đầu nguyên phát, đặc trưng bởi những cơn đau đầu có tính chu kỳ. Theo tài liệu năm 2009 ở Mỹ, tỉ lệ Migraine là 18-26% ở phụ nữ và 6-9% ở nam giới. Tuổi khởi phát thường ở tuổi thiếu niên, tuổi trưởng thành nhưng có đỉnh cao từ 30-45 tuổi. Bệnh diễn tiến từng đợt và kéo dài suốt đời.

Để hiểu rõ hơn về đau đầu Migraine, hãy cùng tìm hiểu với BS. CKI. Nghiêm Bảo Thị Hạnh Linh – Khoa Nội thần kinh tại Phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn.

1. Phân loại

Theo International Headache Society (HIS), Migraine được phân thành hai loại chính:

  • Migraine có tiền triệu: chỉ gặp trong 10% các trường hợp bệnh Migraine. Bệnh nhân có giai đoạn tiền triệu kéo dài từ vài phút tới không quá 60 phút trước cơn đau với các triệu chứng chủ yếu về mắt. Có hai tiền triệu thường gặp là ám điểm chói sáng và bán manh đồng danh. Các tiền triệu ít gặp hơn là tê tay và mặt một bên hay mất ngôn ngữ thoáng qua.

  • Migraine không tiền triệu: bệnh nhân có cơn đau giống Migraine có tiền triệu nhưng cường độ đau thường ít hơn. Tuy không có các tiền triệu về mắt nhưng bệnh nhân có thể có một số triệu chứng báo trước như mệt mỏi, chán ăn, trầm cảm. Trong cơn đau, bệnh nhân thường có tăng cảm giác đau vùng da đầu. Trên cùng, bệnh nhân có thể có cả hai loại cơn có và không có tiền triệu.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán Migraine

a. Migraine không tiền triệu:

  • Có ít nhất 5 cơn đau thỏa tiêu chuẩn B, C, D.
  • Cơn đau kéo dài 4-72 giờ.
  • Cơn đau có ít nhất 2 triệu chứng sau:
    • Tăng đau khi gắng sức (lên cầu thang).
    • Cường độ đau vừa hay dữ dội.
    • Đau theo nhịp mạch.
    • Đau một bên đầu.
  • Trong cơn đau có ít nhất một trong bốn triệu chứng đi kèm: buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động.
  • (*) Không do rối loạn nào khác gây ra.

b. Migraine có tiền triệu:

  • Có ít nhất 2 cơn đau thỏa tiêu chuẩn B, C.
  • Tiền triệu bao gồm ít nhất 1 trong các triệu chứng sau nhưng không có yếu vận động:
    • Rối loạn nhìn thoáng qua như ám điểm chói sáng, bán manh đồng danh.
    • Triệu chứng cảm giác thoáng qua như tê, kim châm…
    • Rối loạn ngôn ngữ thoáng qua.
  • Ít nhất 2 trong các đặc tính sau:
    • Một hay nhiều triền triệu xuất hiện dần trên 5 phút hay hai tiền triệu xuất hiện liên tiếp.
    • Mỗi tiền triệu xuất hiện kéo dài ít nhất 5 phút nhưng không quá 60 phút.
    • Ít nhất tiền triệu ở một bên.
    • Cơn đau đầu xuất hiện sau khi có tiền triệu tối đa là 60 phút.
  • (*) Không do rối loạn nào khác gây ra.

3. Yếu tố khởi phát Migraine

Có nhiều yếu tố khởi phát Migraine, bao gồm:

  • Chất phụ gia.
  • Rượu.
  • Bột ngọt.
  • Caffeine (quá nhiều hay ngưng đột ngột).
  • Ăn trễ hay bỏ bữa.
  • Thức ăn (chocolate, phô mai).
  • Ánh sáng.
  • Kinh nguyệt.
  • Mùi (nước hoa).
  • Thuốc ngừa thai uống.
  • Rối loạn tâm thần đi kèm.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Hút thuốc.
  • Stress.
  • Thay đổi thời tiết.

4. Chẩn đoán phân biệt đau đầu Migraine

Có nhiều loại đau đầu khác nhau cần phân biệt với Migraine:

  • Glaucome cấp: Kết hợp nhìn thấy quầng sáng, nhìn mờ, nôn ói… đây là cấp cứu nhãn khoa.
  • Tụ máu dưới màng cứng cấp/mãn: Tiền căn có chấn thương, có thể khởi phát bán cấp, thay đổi ý thức hoặc có dấu thần kinh định vị.
  • Tăng huyết áp cấp cứu: huyết áp tâm thu trên 210 hay tâm trương trên 120,có thể lú lẫn hay kích thích.
  • Tăng áp lực nội sọ lành tính: khởi phát đột ngột, kết hợp nôn ói, ngầy ngật, nhìn mờ, phù gai thị, tăng nặng lên khi ho hay thay đổi tư thế.
  • Ngộ độc Carbon monoxide: có thể âm ỉ, kết hợp khó thở, thường gặp ở những tháng lạnh.
  • Thoái hóa cột sống cổ: đau nặng hơn với những cử động vùng cổ.
  • Đau đầu Cluster: đau đầu không thường gặp, khởi đầu đột ngột, kéo dài vài phút đến vài giờ, tái phát sau vài tuần. Có thể biến mất trong nhiều tháng đến nhiều năm, đau dữ dội một bên đầu và quanh hốc mắt, hay gặp ở nam giới.
  • Viêm não: có rối loạn ý thức hay hôn mê, có dấu thần kinh định vị.
  • Viêm xoang trán: đau nặng hơn khi nằm xuống, có triệu chứng xoang.
  • Đau dây thần kinh chẩm: Đau thường bắt đầu tại nền hộp sọ và có thể đau lan sang phía sau hay dọc theo phần bên đầu, nhạy cảm đau vùng da đầu.
  • U não: đau tăng dần, suy giảm nhận thức.
  • Đau đầu do thuốc: đau đầu mãn tính với vài đặc tính đau đầu Migraine, có thể xuất hiện hàng ngày, thường bệnh nhân đang dùng hormone liệu pháp, dùng thuốc ngừa thai, phản ứng dội ngược của thuốc giảm đau.
  • Viêm màng não: sốt, có dấu màng não.
  • Hội chứng sau sang chấn: Tiền căn chấn thương đầu, chóng mặt, lú lẫn, giảm trí nhớ, kém tập trung, dễ mệt, dễ kích thích.
  • Xuất huyết dưới nhện: đau đầu đột ngột, dữ dội.
  • Viêm động mạch thái dương: bệnh nhân thường trên 50 tuổi, đau đầu dai dẳng vùng thái dương kèm theo những rối loạn thị giác có thể nhanh chóng dẫn đến mù mắt nếu không được xử trí kịp thời.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm: cơn đau thường liên quan vùng thái dương hay khớp thái dương hàm, triệu chứng xuất hiện khi nhai.
  • Đau đầu thể căng thẳng: thường gặp, kéo dài trên 30 phút đến nhiều giờ, thường đau 2 bên, không theo kiểu mạch đập, cường độ đau nhẹ đến trung bình, không nôn ói, không tăng khi hoạt động.
  • Đau dây V: đau theo vùng chi phối của dây V.

5. Điều trị Migraine

Có các phương pháp điều trị sau cho Migraine:

  • Điều trị cắt cơn đau trong tất cả các trường hợp.
  • Điều trị ngừa cơn khi có ít nhất 4 cơn đau trong 1 tháng hay 8 ngày đau trong tháng.
  • Vấn đề điều trị ngừa cơn còn tùy thuộc vào hiệu quả của điều trị cắt cơn đau, nếu số cơn đau nhiều nhưng dễ cắt cơn thì có thể chỉ điều trị cắt cơn.
  • Tránh các yếu tố khởi phát cơn.
  • Tâm lý liệu pháp.
  • Các phương pháp không dùng thuốc.

6. Điều trị cắt cơn

a. Lựa chọn hàng đầu:

  • Acetaminophenes
  • Kháng viêm không steroid: Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen.
  • Triptans: Almotriptan, Eletriptan, Frovatriptan, Rizatriptan, Sulmatriptan, Zolmitriptan.

b. Lựa chọn thứ hai:

  • Dihydroergotamin.
  • Opioids: Codeine, Tramadol, Meperidine.
  • Thuốc chống nôn: Chlopromazine, Droperidol, Metoclopramide, Prochlorperazine.
  • Thuốc khác: Ketorolac, Promethazine

7. Điều trị ngừa cơn

a. Lựa chọn hàng đầu: Divalproex, Topiramax, Metoprolol, Propanolol, Timolol.
b. Lựa chọn thứ hai: Amitryptilline, Venlafaxine, Atenolol, Nadolol.
c. Ít hiệu quả hơn: Nebivolol, Bisoprolol, Pindolol, Carbamazepine, Gabapentine, Fluoxetin, Nicardipine, Verapamil, Nimodipine, Nifedipine, Lisinopril, Candesartan.
d. Không hiệu quả: Acebutolol, Oxcarbazepine, Lamotrigine, Telmisartan.

8. Tránh các yếu tố khởi phát cơn

Cơn đau đầu Migraine có một số yếu tố làm tăng cơn như một số thức ăn, căng thẳng tâm lý, uống rượu. Nếu làm giảm yếu tố này, cơn có thể giảm.
Tránh các thuốc giãn mạch, thuốc ngừa thai có estrogen.
Sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi điều độ.
Tránh các thức ăn chứa tyramin, chocolate, rượu, bột ngọt, giới hạn sử dụng caffeine.

9. Tâm lý liệu pháp

Muốn cho bệnh nhân an tâm tuân thủ điều trị, thấy thuốc giải thích cho bệnh nhân về một số vấn đề sau:

  • Phải nói rõ cho bệnh nhân về khả năng điều trị để bệnh nhân bớt lo lắng (tuy không chữa hết bệnh nhưng có thể làm bệnh thuyên giảm một thời gian).
  • Nếu điều trị phòng ngừa thì bệnh nhân cần kiên nhẫn để tuân thủ điều trị trong nhiều tháng.
  • Thay đổi cách sống cũng giúp bệnh thuyên giảm.
  • Các phương pháp không dùng thuốc có thể có một phần tác dụng.

10. Điều trị không dùng thuốc

Có các phương pháp không dùng thuốc sau cho Migraine:

  • Liệu pháp thư giãn.
  • Điều trị nhận thức hành vi.
  • Nhiệt phản hồi sinh học.
  • Châm cứu.

Nguồn: Bác sĩ CKI. Nghiêm Bảo Thị Hạnh Linh – Khoa Nội thần kinh tại Phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Nghiêm Bảo Thị Hạnh Linh

BẰNG CẤP & CHỨNG CHỈ

  • 1997: Tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa tại Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
  • 2002: Tốt nghiệp Bác sĩ CKI Nội Thần Kinh tại Đại học Y Dược TP.HCM.

KINH NGHIỆM

  • Hơn 20 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý Nội Thần Kinh.
  • 1998 – 2016: Bác sĩ Nội Thần Kinh tại Bệnh viện An Bình TP.HCM.
  • 2016 – Nay: Bác sĩ Nội Thần Kinh tại Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Có thể bạn quan tâm:
▶ Tiếp cận bệnh nhân “rối loạn lo âu lan tỏa”
▶ Tiếp cận đau đầu – Đau đầu có nguy hiểm đến tính mạng không?
▶ 11 Thực Phẩm “TỐT” cho sức khỏe của đôi mắt

Fanpage: Phòng khám Hoàn Mỹ Sài Gòn