Những “cục sạn” có thể “lượm” trong khi dịch/edit

0
41
Rate this post

Chào mọi người! Trong bài viết “Đôi điều cần chú ý khi bắt tay edit truyện” của em Lily, Maroon cảm thấy rất thích và muốn viết một bài mới để nhắc đến những vấn đề thường gặp khi edit truyện. Những ví dụ mà Maroon đưa ra đều được lấy từ những truyện đã từng đọc và không mang tính chỉ trích. Hi vọng các bạn coi đây như những ý kiến chân thành của Maroon (dù lời lẽ có hơi cà rằn một tí, vì tật đó của Maroon thôi chứ không có ý gì khác đâu).

1. Trợ từ ngữ khí “ba” (mà các em hay dịch là “đi” đó)

Trợ từ này chỉ để tăng biểu cảm trong câu, không mang nghĩa. Tiếng Việt có nhiều từ khác để diễn đạt, không chỉ có từ “đi” đâu. Hãy sử dụng từ ngữ linh hoạt hơn. Ví dụ, “Không phải đi. Sáu năm trôi qua, sao em lại trở nên khai sáng, nhưng tư tưởng lại không hề giải phóng gì?” Ở đây không có người “đi” nào cả, chỉ là biểu thị sự ngờ ngợ không tin nổi, nên dịch là “không phải chứ” mới đúng.

Còn một trường hợp thường sai là: “Đi thôi.” À, nếu đây là câu rủ rê cả đám cùng đi thì nó đúng, nhưng nếu một người ra lệnh cho người kia thì phải dịch là “Đi đi.” (ở đây thì được “đi” nhé ^^). Hãy nhớ xem ngữ cảnh để chọn cách dịch phù hợp.

2. “Sẽ không”

Đây là một lỗi rất phổ biến. Chữ “hội” thường xuất hiện trong truyền thuyết và thường được sử dụng sai trong bản edit kém chất lượng.

“Hội” có nhiều nghĩa, nhưng hai nghĩa thường gặp là “sẽ” và “biết”. “Biết” ở đây chỉ khả năng làm một cái gì đó chứ không phải “biết thông tin”. Ví dụ: “Nhược Tôn sẽ không cười.” Sai! Câu đúng là “Nhược Tôn không biết cười.”

Để dịch đúng, hãy tùy vào năng lực đọc hiểu của mình.

3. “Không cần”

Câu này thường gặp trong mấy cảnh bạn nữ bị bạn nam ấy ấy, bèn kêu lên “không cần, không cần”, hehe. Hãy thử tưởng tượng xem lúc đó mình có nói câu này không? Trong hoàn cảnh đó, nghĩa của nó là “Đừng!” hoặc nếu e thẹn chút thì “Đừng mà!” hoặc nũng nịu hơn thì “Đừng mà anh!” (nếu đang giả vờ e lệ).

Ngoài ra, tùy vào ngữ cảnh, có thể dịch là “không muốn”, “không thèm”, “thôi khỏi”. Đừng lúc nào cũng chỉ dùng “không cần” nhé.

4. “nghĩ”

Từ này có nhiều nghĩa: nghĩ, muốn, nhớ. Có nhiều lúc đọc một câu như này: “Ta nghĩ ngươi” hahaha, ( |||) không hiểu gì hết. Đúng ra là: “Em nhớ anh/ anh nhớ em” hoặc “ta nhớ nàng/thiếp nhớ chàng” mới đúng.

Nếu phía sau thể hiện quan điểm của người nói thì sẽ là “Tôi nghĩ chúng ta nên về thôi.”

Nếu phía sau thể hiện một việc muốn làm thì sẽ là “Tôi muốn ăn hamburger.”

Nếu phía sau là một người, một địa điểm thì sẽ là “Tôi nhớ mẹ/nhà”.

Phải phân biệt rõ chứ không thể chung vào một chữ “nghĩ” được.

5. “mau”, “nhanh”

Lần trước, Maroon nhắc một bạn dịch câu “Nước mau lạnh. Ta đi tắm.” phải dịch là “Nước sắp nguội rồi. Ta đi tắm đây.” mới đúng, thế là bị xóa còm, hehe (Maroon thù dai), hãy nhớ kỹ. Cùng một ý, nhưng tùy vào ngữ cảnh mà dịch nhé.

6. “đứng lên”

Nếu nó là hành động thì nghĩa này không sai. Nhưng nếu nó đứng sau một động từ khác thì nó trợ nghĩa cho động từ đó, diễn tả một sự việc bắt đầu phát sinh. Ví dụ, “lo lắng đứng lên” – sai – không có ai “đứng lên” hết, chỉ đơn giản là “bắt đầu thấy lo lắng”.

7. “xuống phía dưới”

Oh men. Nếu nó là hành động (thường thấy trong mấy cảnh H) thì nghĩa này không sai. Nhưng nếu nó đi sau một động từ khác thì nghĩa phải là “tiếp tục, thêm nữa”. Ví dụ, “Tôi không dám tái nói xuống phía dưới.” phải dịch là “Tôi không dám nói thêm gì nữa/ không dám nói tiếp nữa.”

8. “trong lời nói”

Nếu không có ai nói gì thì đúng là lãng nhách. Ví dụ như câu “Bọn họ khai mau trong lời nói,…” thì nó phải được dịch là “Nếu bọn họ chạy (lái xe) nhanh, thì …” (lụm đỡ câu này trong convert). Cụm này có nghĩa là NẾU đó.

Còn nếu có người nói thì nó là “lời” của anh ta. Ví dụ, “đừng nghe lời anh ta/ đừng nghe anh ta nói.” Chớ phang là “Đừng nghe anh ta trong lời nói” nhé. Lảm nhảm lắm!

9. “trong lúc đó”

Nếu bạn đã sử dụng phiên bản QT mới nhất, bạn sẽ không gặp phải lỗi này nữa. Khi gặp cụm từ này và phía trước nó có hai người/ hai sự vật/ hai sự việc thì nghĩa của nó là “giữa”. Ví dụ, “giữa vợ chồng bọn họ” không phải “vợ chồng bọn họ trong lúc đó” đâu nhé.

10. Chức danh + tên họ.

Hãy dịch là “Giám đốc Trần, thư ký Ngô” chứ đừng để “Trần giám đốc, Ngô bí thư” nhé. Nghe trái tai lắm. À, “bí thư” trong một công ty chính là “thư ký” đó.

11. Về phần nhân xưng

Hãy chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh và thân phận người nói. Dù là hiện đại hay cổ trang, thì phận con cái/hậu bối cũng không thể xưng “ta-ngươi” với trưởng bối được. Đọc truyện mà gặp câu “Phụ thân/ Hoàng Thượng, ta nói cho ngươi biết” thì đúng là muốn làm phản rồi.

12. Tên riêng của nhân vật trong truyện

Đọc truyện mà gặp tên riêng không viết hoa đã thấy khó chịu, chứ đừng nói gì đến việc tên riêng còn bị dịch nghĩa, như cái tên “hách ngay cả” thiệt quá kinh dị.

Maroon cũng từng đọc một số bản convert của một vài bạn nổi tiếng trong tangthuvien và vẫn thấy lỗi dịch tên riêng này. Không biết các bạn có để ý trong QT có một ứng dụng dùng để lọc tên riêng rất tiện lợi hay không? Nó giúp tiết kiệm rất nhiều công sức cho việc tìm tên riêng rồi thay thế thành viết hoa cho toàn bộ truyện.

Bất kể bạn tự convert truyện để đọc hay để dịch/edit, công việc đầu tiên cần làm là:

  • Vào thư mục QuickTranslator trong máy, click icon QuickAnalyzer;
  • Chọn thư mục nguồn (chỉ chứa duy nhất 1 file raw của truyện ở dạng txt);
  • Sửa số lần lặp lại tối thiểu là 50 (chọn thấp quá sẽ ra một loạt từ không cần thiết, còn cao quá sẽ bỏ sót một số tên nhân vật phụ);
  • Bấm RUN.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn sẽ có khoảng 3-4 tập tin lọc ra những cụm từ thường xuyên lặp lại từ 50 lần trở lên trong truyện. Mở file có tên là result theo độ dài viết hoa, bôi đen những từ bạn cho rằng là tên riêng, copy lại, mở file Names.txt trong thư mục QuickTranslator của bạn, dán vào phía dưới, save và đóng file.

Thế là xong! Từ giờ trở đi, dù bạn dùng QuickConverter để convert cả truyện hoặc QuickTranslator để dịch từng chương, những tên riêng trong truyện đều được chuyển đúng định dạng và không bị dịch nghĩa. Đơn giản hơn ngồi mò từng cái tên để replace nhiều, phải không?

Hy vọng rằng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn làm việc hiệu quả hơn trong quá trình dịch/edit truyện. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết này!

Được chỉnh sửa bởi dnulib.edu.vn.