Về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – Tạp chí Cộng sản

0
46
Rate this post

Mục đích của Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội

Trong các cuộc thảo luận đóng góp ý kiến vào việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, mục tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Dưới đây là ý kiến cá nhân của tôi về một số nội dung có liên quan đến vấn đề ấy.

Về mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

Câu hỏi thứ nhất, cần trả lời là mục tiêu này được hình thành như thế nào?

Trước hết, xin nhắc lại câu viết trong Cương lĩnh: “Để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, điều quan trọng nhất là phải cải biến căn bản tình trạng kinh tế xã hội kém phát triển,…”. Cương lĩnh cũng có đoạn: “Xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người”.

Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), Đảng ta dùng công thức: “Phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.

Câu hỏi thứ hai, cần trả lời là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã thực sự là chủ nghĩa xã hội chưa, hay chủ nghĩa xã hội còn có những tiêu chí khác cao hơn?

Có ý kiến cho rằng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là đặc trưng không chỉ riêng của ta mà của tất cả các nước, dù là tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa. Ý kiến này khẳng định: ở một số nước đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa như Xin-ga-po, Hàn Quốc, những tiêu chí ấy đã đạt cao hơn ta bây giờ. Còn ở các nước theo con đường dân chủ xã hội, như ở Bắc Âu, các tiêu chí ấy lại còn đạt cao hơn nữa. Trong xã hội ta, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nói xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là chưa đủ mà phải thêm cụm từ “tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” thì mới trọn vẹn. Lại có ý kiến nói dùng công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” là một cách thể hiện chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Việt Nam, vì vậy đó đã là chủ nghĩa xã hội, không cần phải thêm vế cuối “tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” nữa.

Năm yếu tố cấu thành mục tiêu. Nội dung, tiêu chí và mối quan hệ giữa các yếu tố đó.

– Dân giàu: Cần hiểu trên cả hai mặt: Dân là nói chung cả nhân dân chứ không phải riêng cho một bộ phận nào, nhóm người nào. Giàu là giàu cả về kinh tế, vật chất lẫn giàu về văn hoá, tinh thần.

– Nước mạnh: Một quốc gia mạnh là mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hoá lẫn an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Sức mạnh đây là sức mạnh tổng hợp. Mạnh trong việc xây dựng kinh tế phát triển, văn hoá phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng và an ninh vững chắc, mạnh trong việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước và dân tộc.

Có ý kiến cho rằng nên nói “nước giàu, dân mạnh” thì đúng hơn. Vì người xưa hay nói “quốc phú, dân cường” chứ không nói “quốc cường, dân phú”. Thật ra đây chỉ là cách nói cho dễ hiểu chứ giàu mạnh (phú cường) là chỉ chung cho cả đất nước và dân tộc, cho Tổ quốc và nhân dân. Dân nghèo thì nước không mạnh. Nước không mạnh thì dân không thể giàu được. Giàu và mạnh có thể đi đôi, nhưng cũng có thể không đi đôi. Bởi có rất nhiều quốc gia, dân tộc tuy giàu nhưng không thật sự mạnh. Công thức “xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh” được sử dụng nhiều năm trong Điều lệ Đảng không phải là không có cơ sở, đúng đắn.

– Công bằng: Một số ý kiến cho rằng, đối với chủ nghĩa xã hội, bình đẳng xã hội quan trọng hơn công bằng xã hội. Thật ra bình đẳng xã hội hay công bằng xã hội đều có nội dung chỉ rõ rằng trong quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, phải thực hiện nghĩa vụ (cống hiến) ngang nhau sẽ được hưởng quyền lợi (hưởng thụ) ngang nhau. Tuy nhiên, bình đẳng có nghĩa rộng hơn, không chỉ bình đẳng về mặt chính trị, giữa các tầng lớp xã hội, bình quyền về mặt giới tính, mà còn bình đẳng cả trong sự phát triển cá nhân mà đây là điều chỉ có thể thực hiện được dưới chủ nghĩa cộng sản. Công bằng xã hội chỉ giới hạn trong phân phối công bằng kết quả sản xuất (theo lao động, theo kết quả sản xuất, theo mức đóng góp về vốn và các yếu tố khác cho sản xuất, kinh doanh); phân phối công bằng lợi ích thông qua phúc lợi xã hội và đặc biệt hơn cả là tạo nên sự công bằng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi thành viên của cộng đồng xã hội.

– Dân chủ: Đó vừa là bản chất của chế độ, lại vừa là đặc điểm cơ bản nhất của một xã hội tiến bộ, văn minh. Dân chủ vừa là chính trị vừa là văn hoá. Một xã hội thiếu dân chủ là một xã hội phản tiến bộ và phản văn minh. Dân chủ có nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau. Song nếu hiểu chế độ xã hội chủ nghĩa là nấc thang phát triển lịch sử xã hội cao hơn chế độ tư bản chủ nghĩa thì nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng phải có chất lượng cao hơn nền dân chủ tư bản chủ nghĩa. Dân chủ phải là đặc trưng số 1 của xã hội ta. Ý kiến cho rằng nếu nói “xã hội dân chủ” thì có thể gây sự lầm lẫn giữa xã hội xã hội chủ nghĩa của ta với “xã hội dân chủ” là ý kiến không chính xác.

– Văn minh: Đó là nói về trình độ phát triển của một xã hội. Trung Quốc có khái niệm văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Chúng ta không dùng công thức này nhưng cũng phải hiểu “văn minh” trên cả hai phương diện đó. Văn minh thể hiện trong việc không ngừng phát triển nền kinh tế theo hướng hiện đại đi liền với thực hiện tiến bộ và công bằng, xoá bỏ áp bức, bất công về mặt xã hội, không ngừng phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống và lối sống văn minh.

Xét trong 5 yếu tố “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” thì dân chủ và công bằng xã hội chính là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt quan trọng nhất giữa các chế độ chính trị khác nhau.

Thực trạng của việc thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội

Kiểm điểm của Đảng về những thành tựu và những mặt tồn tại, yếu kém của sự nghiệp xây dựng đất nước trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua cho thấy thực trạng của việc thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Xem xét dưới góc độ thực hiện các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, chúng ta vừa tự hào về những tiến bộ đạt được lại vừa phải suy ngẫm rất nhiều về trình độ phát triển của ta. So với bản thân ta mấy chục năm trước, dân ta đã giàu hơn, nước ta mạnh hơn, xã hội ta dân chủ và văn minh hơn. Song nếu so với các nước trên thế giới, cả các nước đang phát triển trong khu vực, thì rõ ràng là nước ta đang thua kém nhiều về sự giàu có và văn minh vật chất. Dân ta nghèo hơn vì nước ta còn ở trong khu vực các nước đang phát triển có thu nhập thấp. Cuộc sống về mặt vật chất còn kém văn minh hơn. Dân chủ và công bằng xã hội, tuy là chỗ mạnh về bản chất của chế độ ta, song thực tế cũng còn nhiều mặt yếu kém, do sự suy thoái về đạo đức, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu trầm trọng; do nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt.

Cần bổ sung gì về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trong Cương lĩnh?

Nếu xét một cách toàn diện, xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải bao gồm những nét đặc trưng mà Cương lĩnh 1991 đã nêu lên, được bổ sung ở Đại hội X và có thể tiếp tục bổ sung ở Đại hội XI.

Nếu thể hiện cho dân dễ hiểu, dễ chấp nhận, ta vẫn có thể dùng công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, song nên đặt chữ dân chủ trước chữ công bằng và bổ sung thêm một vế nữa là “con người phát triển toàn diện”. Công thức được sửa đổi sẽ như sau: “Dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; con người phát triển toàn diện”.

Được chỉnh sửa bởi Dnulib