Chất liệu silicon hiện được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, như mỹ phẩm, hóa phẩm, núm ti, đồ dùng cho mẹ và bé,… Tuy nhiên, một số người vẫn chưa biết silicon là gì và được ứng dụng như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu khám phá ngay về chủ đề này ngay dưới đây nhé!
1. Silicon là gì?
Silicon là một loại polyme tổng hợp, có cấu trúc gồm 1 sườn silicon-oxy và các nhóm hydrogen hoặc hydrocarbon gắn liền với nguyên tử silicon. Silicon được sử dụng phổ biến trong kem dưỡng, kem nền, kem chống nắng, dụng cụ nấu ăn, dùng trong thiết bị cách nhiệt và cách điện,… đặc biệt là được ứng dụng trong ngành y tế bởi có độ bền cao, ổn định và dễ sản xuất.
2. Các loại silicon phổ biến
- Silicon lỏng: Có tên gọi khác là dầu silicon, chứa các thành phần chính như Dimethicone, Aminodimethicone, Dimethicone copolyol có tác dụng làm chất bôi trơn, phụ gia sơn hoặc là các thành phần trong mỹ phẩm.
- Silicon gel: Sử dụng các thành phần chính là Vinyl Dimethicone Crosspolymer, Dimethicone Crosspolymer. Loại silicon gel thường được ứng dụng trong phòng thí nghiệm, ứng dụng trong y tế, dụng cụ nấu ăn. Đặc biệt, đây là loại silicon được sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ để nâng ngực.
- Silicon đàn hồi: Còn được gọi là cao su silicon, gồm các thành phần chính như Dimethiconol, Dimethicone. Silicon đàn hồi được sử dụng như một chất cách điện để hàn trong các phương tiện hàng không vũ trụ hoặc để sản xuất các găng tay tẩy tế bào chết, cốc nguyệt san, máy rửa mặt, máy hút sữa,…
- Silicon nhựa: Có những thành phần chính như Trimethysiloxysilicate, Polypropylsilsesquioxane, Polymethylsilsesquioxane. Silicon nhựa được sử dụng để làm các lớp phủ chịu nhiệt cũng như các vật liệu chống chịu thời tiết hoặc để trám những lỗ thủng nhỏ trên mái nhà và các vật dụng khác trong gia đình.
3. Silicon có độc không?
Silicon hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, các vật dụng hàng ngày và trong ngành y tế. Bên cạnh đó, silicon là chất hóa học nên sẽ có độc gây ra các tác dụng phụ như kích ứng da, gây đột biến, gây ung thư,… nếu sử dụng không đúng cách hoặc mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu sử dụng một lượng silicon ở mức vừa đủ thì sẽ gặp ít tác dụng phụ hoặc không. Vì thế, silicon có lợi hay hại là do mức độ sử dụng nhiều hay ít và tùy vào loại silicon nào sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
4. Công dụng của silicon đối với da và tóc
Silicon có nhiều loại cũng như có nhiều tính chất đem lại nhiều công dụng trong cuộc sống như:
- Làm mềm da: Silicon dễ bay hơi, được ứng dụng trong việc tạo các hiệu ứng thoáng qua, bôi trơn nhẹ. Bên cạnh đó, silicon có kết cấu nhẹ nên khi thoa không để lại lớp bột bám trên da.
- Phục hồi da sau khi đi nắng: Trong silicon chứa thành phần Cetyl Dimethicone, có khả năng chống nước nên được bổ sung khoảng 2.5% vào kem chống nắng dạng dầu.
- Dưỡng ẩm da có kiểm soát: Silicon có thể tạo ra các màng thoáng khí và tránh gây tắc nghẽn lỗ chân lông nhờ tính chất thấm hơi nước.
- Giảm tình trạng xơ rối tóc: Silicon giúp mang lại mái tóc bóng, mềm mượt giúp dễ chải và hạn chế tóc chẻ ngọn.
- Cải thiện độ bóng cho tóc: Silicon chứa Phenyl Trimethicone, thành phần này được bổ sung vào dầu gội để tạo cho những sợi tóc hư tổn một lớp màng bảo vệ và làm cho tóc thêm bóng mượt.
5. Cách dùng silicon an toàn
Khi sử dụng mỹ phẩm có chứa silicon, bạn cần tẩy trang và dùng sữa rửa mặt. Sau đó, bạn thực hiện các bước chăm sóc da thông thường và cuối cùng bạn thoa các sản phẩm kem nền hay kem chống nắng có chứa thành phần silicon.
Tuy nhiên, silicon có tính chất bao phủ lớn, rất dễ giữ lại các loại bụi bẩn, da chết, dầu thừa trên da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện cho mụn xuất hiện trên bề mặt. Vì thế, nếu bạn trang điểm hay dùng kem chống nắng chứa silicon, bạn nên tẩy trang và làm sạch thật kỹ sau khi sử dụng.
6. Ứng dụng của silicon
Silicon được sử dụng rộng rãi trong các ngành nghề và lĩnh vực sau:
- Trong xây dựng: Bảo vệ vật liệu không bị mòn khi gặp nhiệt độ cao bởi keo silicon có khả năng chống nước.
- Trong thiết bị điện tử: Bảo vệ các thành phần điện tử không bị quá nóng, độ ẩm hay sự ăn mòn vì tính chất cách điện trong công nghệ máy tính, viễn thông, điện tử và phân phối điện.
- Trong lĩnh vực sức khỏe: Là vật liệu để làm các đồ dùng chăm sóc trẻ sơ sinh như bình sữa, núm ti,…
- Trong công nghiệp sản xuất sản phẩm gia dụng: Là vật liệu làm nên các đồ dùng nấu nướng, chất tẩy rửa sàn và vật liệu gỗ.
- Trong ngành sơn: Làm cho sơn phủ có khả năng chịu thời tiết tốt hơn, tăng độ bám dính, chống vết bẩn.
- Trong mỹ phẩm: Silicon là thành phần phổ biến của nhiều dòng sản phẩm chăm sóc da, tóc, hay đồ trang điểm như kem lót, kem nền, kem chống nắng.
7. Lưu ý khi sử dụng Silicon
Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên lưu ý những điều sau khi sử dụng silicon:
- Đối với các sản phẩm chăm sóc tóc và da, bạn nên đọc kỹ các thành phần và dựa vào tình trạng da và tóc để sử dụng nhằm tránh bị kích ứng.
- Chọn các sản phẩm đến từ thương hiệu và nhãn hàng uy tín để tránh mua phải hàng giả.
- Các sản phẩm silicon phải có bao bì, nhãn mác rõ ràng, đầy đủ thông số về tính năng, mức chịu nhiệt.
- Tránh chọn mua các sản phẩm có mùi lạ và có chứa silicon độn chất. Bạn có thể kiểm tra bằng cách kéo và vặn xoắn, nếu xuất hiện các hạt trắng thì không phải là silicon an toàn.
Silicon mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống, được ứng dụng trong các sản phẩm như dầu gội, mỹ phẩm, đồ dùng cho mẹ và bé. Nếu bạn có thắc mắc thì hãy gọi ngay tổng đài AVAKids 1900.866.874 (7:30 – 22:00) để được giải đáp ngay nhé!
Edited by dnulib.edu.vn