Chi tiết tin

0
40
Rate this post

Khái niệm và tầm quan trọng của xã hội học tập

Xã hội học tập (XHHT) là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời. Mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.

Đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời (HTSĐ)

Để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, các nhà trường, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, các cơ quan truyền thông, mọi tổ chức và mọi người dân đều có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được HTSĐ.

Theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), HTSĐ là tất cả các hoạt động học tập có chủ đích xuyên suốt cuộc đời của một cá nhân từ khi chào đời đến lúc rời xa cuộc sống, theo các phương thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Trong thời đại chu kỳ thay đổi khoa học – công nghệ ngày càng rút ngắn và tuổi thọ ngày càng cao thì HTSĐ là tất yếu.

Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam - Nguồn: tuyengiao.vn

Học tập suốt đời – Quyền lợi và trách nhiệm

Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của công dân. Công dân có quyền lựa chọn hình thức học tập phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của mình để nâng cao tri thức, hiểu biết, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Học để có nghề nghiệp, có việc làm hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc. Học để cống hiến được nhiều hơn, để làm cho mình và mọi người hạnh phúc. Học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại.

Trên thế giới, các quốc gia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng một “hệ thống giáo dục mạnh”. Trong đó, HTSĐ được đặc biệt chú trọng, bởi lẽ HTSĐ cung cấp khung vững chắc để phát triển nguồn nhân lực bền vững, từ đó tạo ra tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và khuyến khích, thúc đẩy các cá nhân theo đuổi cơ hội học tập ở mọi giai đoạn của cuộc đời.

Thực tế ở nhiều quốc gia phát triển cho thấy, HTSĐ đã thực sự góp phần quan trọng vào việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn lực chung cho sự phát triển, cải thiện về môi trường kinh tế – xã hội cho cộng đồng, thay đổi diện mạo văn hóa cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ HTSĐ, mỗi cá nhân đều được nâng cao khả năng thích ứng, hòa nhập và phát triển nhân cách. Với những đối tượng nhạy cảm, như trẻ em gái, phụ nữ, người dân tộc thiểu số,… HTSĐ có ý nghĩa rất to lớn trong việc hỗ trợ về cơ hội, tạo ra động lực giúp họ học tập để cập nhật kiến thức, kỹ năng, cải thiện năng suất lao động, tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi thân phận và địa vị xã hội, góp phần tạo ra sự bình đẳng và tiến bộ hơn.

Một số thành tựu trong xây dựng xã hội học tập

Trong chiến lược phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự học và trong thực tế đã có những chủ trương, chính sách lớn để tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, HTSĐ.

Trong các văn kiện từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng nhất quán chủ trương thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người đều có thể được học tập suốt đời. Chủ trương trên của Đảng xác lập một quan niệm rõ ràng về XHHT với tư cách là một thể thống nhất giữa hệ thống giáo dục ban đầu (bao gồm trường, lớp và cơ sở giáo dục chính quy từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học) và hệ thống giáo dục tiếp tục (với nhiều hình thức giáo dục chính quy và không chính quy tại các cơ sở đào tạo tại chức, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, đào tạo và đào tạo lại qua các khóa học, lớp học ngắn hạn…).

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng XHHT, ngày 18-5-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010” với tiêu chí tổng quát là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tích cực tham gia xây dựng XHHT.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13-4-2007, Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg, ngày 08-01-2008, Về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngày 09-01-2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” (Đề án) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHHT tại nước ta. Đề án đã nêu rõ: “mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại”.

Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng XHHT, bảo đảm cho tất cả các công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Đề án. Một số hoạt động cụ thể được thực hiện, như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 đề án thành phần: 1- Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; 2- Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; 3- Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; 4- Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập”; 5- Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp”; 6- Đề án “Phát triển đào tạo từ xa”; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ vào tuần đầu tháng 10 hằng năm để mỗi người dân nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của HTSĐ, xây dựng XHHT đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển bền vững xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của cộng đồng và cá nhân; tổ chức những chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình (như Chương trình hướng dẫn ôn tập và luyện thi đại học và Chương trình dạy tiếng Anh trên VTV2; Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trên VTV4; Chương trình giáo dục các kỹ năng sống trên VTV3; các chương trình Chào buổi sáng, đời sống thường ngày trên VTV đã giúp cho người dân có được những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện pháp luật, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân; Chương trình học tiếng Anh Obla Air trên trên kênh VOV2 (Kênh Văn hóa, Xã hội và Giáo dục) và VOV5 (Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia); kênh Truyền hình Giáo dục quốc gia phát sóng trên kênh truyền hình VTV7 với mục tiêu “Vì một xã hội học tập”, cung cấp các tri thức đa dạng cho nhiều tầng lớp khán giả khác nhau,…).

Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương trong cả nước đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; ban hành chỉ thị, nghị quyết của tỉnh/thành ủy, hội đồng nhân dân tỉnh/thànhphố về việc thực hiện Đề án; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Đề án.

Ngoài vai trò chủ đạo của ngành giáo dục – đào tạo, các ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông, lao động – thương binh và xã hội, nội vụ, tài chính,..; các tổ chức, đoàn thể: Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,…; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực trong việc xây dựng XHHT ở địa phương. Nhiều địa phương đã có giải pháp tuyên truyền về vai trò, tác dụng của HTSĐ, xây dựng XHHT thiết thực, tạo ấn tượng sâu sắc và có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân …